Thủ tướng Tây Ban Nha công du 3 nước Tây Phi bàn về giải quyết vấn nạn di cư
Nằm cách bờ biển gần nhất phía Tây Bắc châu Phi chỉ 100km, Quần đảo Canary và Tây Ban Nha có xu hướng là điểm dừng chân của những người di cư Tây Phi hướng đến Pháp và các nước châu Âu khác.
Ngày 27/8, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez có chuyến công du tới 3 nước Tây Phi gồm Mauritania, Gambia và Senegal trong bối cảnh nước này đang phải chật vật đối phó với làn sóng di cư.
Ba nước này là những quốc gia chủ chốt trong cuộc khủng hoảng di cư.
Gần như mỗi ngày, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Tây Ban Nha đều giải cứu một chiếc thuyền chở hàng chục người di cư từ châu Phi tới Quần đảo Canary của Tây Ban Nha.
Nằm cách bờ biển gần nhất phía Tây Bắc châu Phi chỉ 100km, Quần đảo Canary (gồm 7 hòn đảo nằm trên Đại Tây Dương) và Tây Ban Nha có xu hướng là điểm dừng chân của những người di cư Tây Phi hướng đến Pháp và các nước châu Âu khác.
Người đứng đầu vùng Canary Fernando Clavijo đã cảnh báo Quần đảo Canary đang trên bờ vực “sụp đổ” với dự đoán số lượng người di cư có thể lên tới 50.000 người trong năm nay.
Trước thềm chuyến công du, ngày 22/8, Thủ tướng Sanchez đã có cuộc gặp với người đứng đầu vùng Canary Clavijo.
Tại cuộc gặp, ông Clavijo đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) hành động nhiều hơn nữa "để Quần đảo Canary không phải 'đơn thương độc mã' gánh chịu toàn bộ áp lực di cư của cả châu Âu."
Ngoài Quần đảo Canary, vùng Ceuta và Melilla của Tây Ban Nha cũng được coi là các điểm nóng về di cư ở biên giới phía Nam của EU. Hai khu vực này cũng đang chứng kiến lượng người di cư gia tăng mạnh trong những tuần gần đây.
Theo Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, từ đầu năm tới nay, đã có 22.304 người di cư từ Tây Phi đến Quần đảo Canary, tăng 126% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 9.864 người).
Trong khi đó, trên toàn Tây Ban Nha, con số này là 31.155 người, tăng 66,2 % so với 18.745 người trong cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo, lượng người di cư từ Tây Phi tới nước này sẽ tiếp tục tăng trong mùa Thu này khi điều kiện thời tiết thuận tiện hơn để di chuyển trên Đại Tây Dương./.