Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách tại Đại học của Hungary
Theo Thủ tướng, tuy xa cách về địa lý, Hungary và Việt Nam luôn luôn gũi về tình cảm, đoàn kết và gắn bó, giúp đỡ trong gần 3/4 thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Hungary, chiều 19/1 (giờ địa phương), tại thủ đô Budapest, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Hành chính công Quốc gia Hungary.
Đại học Hành chính công quốc gia Hungary là tổ chức giáo dục và nghiên cứu hàng đầu của Hungary và từng là cái nôi đào tạo nhiều nhà lãnh đạo, nhà quân sự kiệt xuất của Hungary.
Tiến sỹ Gergely Deli, Hiệu trưởng Đại học Hành chính công quốc gia Hungary cho biết cá nhân ông từng học tập tại Việt Nam, nghiên cứu về luật Việt Nam; Đại học Hành chính công Hungary cũng có mối quan hệ hợp tác rất tích cực với các trường đại học Việt Nam.
Hiệu trưởng Deli bày tỏ ấn tượng với lòng hiếu khách, nền văn hóa và hệ giá trị quốc gia của Việt Nam, cũng như sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam những năm qua; nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Việt Nam đối với Hungary trong bối cảnh hiện nay, cũng như ý nghĩa quan trọng trong phát biểu về chính sách của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Phát biểu trước đông đảo các đại biểu chính giới, quân sự, ngoại giao, các học giả, nhà nghiên cứu và sinh viên, Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung đề cập, phân tích về những ấn tượng với đất nước, con người Hungary; tình hình thế giới hiện nay; con đường, mục tiêu và chính sách của Việt Nam; quan hệ đối tác toàn diện, tình hữu nghị Việt Nam-Hungary.
Thủ tướng cũng ấn tượng với truyền thống rất hào hùng của nhân dân Hungary trong xây dựng và bảo vệ đất nước; truyền thống học thuật, những đóng góp quan trọng của Hungary đối với tri thức, khoa học, nghệ thuật thế giới, đồng thời cho rằng cách tư duy, tiếp cận, phương pháp luận giải quyết các vấn đề của người Hungary có sự khác biệt, bản sắc rất riêng.
Gần đây nhất, Tiến sỹ Katalin Kariko người Hungary là một trong những người đầu tiên phát minh ra ARN - công nghệ đang được sử dụng trong việc điều chế các loại vaccine phòng, chống COVID-19 tân tiến nhất thế giới, đã được giải Nobel y học năm 2023 và cứu sống hàng triệu người trước đại dịch.
Khái quát về tình hình thế giới hiện nay, Thủ tướng cho rằng về tổng thể là hòa bình nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể là hoà hoãn nhưng cục bộ có xung đột; về tổng thể là ổn định nhưng cục bộ có căng thẳng.
Theo Thủ tướng, thế giới cũng đang nổi lên nhiều vấn đề lớn như già hóa dân số, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Đây đều là những vấn đề toàn cầu, không quốc gia nào bình yên nếu quốc gia khác có vấn đề; đây cũng là những vấn đề mang tính toàn dân.
Do đó, để giải quyết những vấn đề này cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế; đồng thời có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, làm mục tiêu, mọi chính sách phải hướng tới người dân, người dân tham gia xây dựng, thực hiện và thụ hưởng chính sách.
Cùng với đó là quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; luôn đặt con người và sự vật, hiện tượng trong sự vận động và phát triển; không quá bi quan khi tình hình xấu đi và cũng không quá lạc quan, không chủ quan, lơ là khi tình hình thuận lợi, luôn sẵn sàng chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Thủ tướng điểm lại những nét lớn về sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ đất nước; mục tiêu tổng quát, những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, những bài học kinh nghiệm quý báu; những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới của Việt Nam, đặc biệt là về đối ngoại và hội nhập.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần văn hoá soi đường cho quốc dân đi, văn hoá còn thì dân tộc còn.
Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng “Bốn không.”
Thủ tướng cho biết Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều đau thương, mất mát, thiệt hại nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, liên tục bị tác động bởi chiến tranh, bao vây, cấm vận. Cho đến nay, trong thời bình, hằng ngày vẫn có thêm những người bị thương do bom đạn còn sót lại, nhiều người vẫn chịu nỗi đau do chất độc da cam…
Tuy vậy, Việt Nam đã “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai” để biến thù thành bạn, từ đối đầu thành đối thoại; từ chỗ bị bao vây cô lập đã trở thành hình mẫu về hàn gắn, vươn lên sau chiến tranh với quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Chia sẻ thêm về vấn đề quốc phòng, an ninh, Thủ tướng cho biết Việt Nam rất yêu hòa bình, thấu hiểu giá trị của hòa bình, ủng hộ hòa bình, song “lúc hòa bình phải luôn chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng xảy ra chiến tranh và trong chiến tranh phải nghĩ tới lúc hòa bình”.
Khẳng định Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Thủ tướng cũng nêu rõ Việt Nam còn có rất nhiều khó khăn, thách thức; vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, sức chống chịu hạn chế, độ mở lớn.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa hào hùng hơn 4.000 năm của dân tộc, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, bối cảnh thế giới hiện nay.
Huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng chia sẻ với bạn bè Hungary 5 bài học kinh nghiệm quý báu qua quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: (1) Kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; (2) Nhân dân làm nên lịch sử; sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, do dân, vì dân; (3) Đoàn kết tạo nên sức mạnh, gồm đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; (4) Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài; (5) Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Theo Thủ tướng, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Việt Nam đạt được những thành tựu, kết quả nói trên là sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có Hungary. Hungary là bạn bè truyền thống, là đối tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu (năm 2018).
Theo Thủ tướng, tuy xa cách về địa lý, Hungary và Việt Nam luôn luôn gũi về tình cảm, đoàn kết và gắn bó, giúp đỡ trong gần 3/4 thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước cũng có sự tương đồng về lịch sử và chia sẻ về nhiều giá trị chung.
Điểm lại những thành tựu và dấu ấn trong quan hệ hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ và nhân dân Hungary trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển ngày nay của Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh Hungary luôn bên cạnh Việt Nam trong những lúc khó khăn, như trong thời kỳ chiến tranh. Gần đây nhất, Hungary là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ Việt Nam về vaccine, đã chia sẻ hàng trăm nghìn liều vaccine cùng nhiều trang thiết bị y tế cho Việt Nam đúng vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất, khi “mỗi liều vaccine cứu được một người”, góp phần giúp Việt Nam khống chế đại dịch, phục hồi và phá triển.
Hungary cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán, ký EVFTA và là quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Hungary là quốc gia cấp học bổng nhiều nhất cho sinh viên Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu; là nước cấp nguồn viện trợ phát triển (ODA) lớn nhất cho Việt Nam trong khu vực Trung Đông Âu.
Nhân dịp này, Thủ tướng chia sẻ với các sinh viên Việt Nam và Hungary về đam mê học tập, nghiên cứu, khát vọng vươn lên, tinh thần sẻ chia, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, từ đó có hướng đi phù hợp, góp phần xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, hài hòa lợi ích riêng trong lợi ích chung, như câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau,” hay như câu tục ngữ Việt Nam “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.”
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành hai nước tiếp tục tạo điều kiện, thúc đẩy thế hệ trẻ hai nước tiếp tục kết nối, nhân dân hai nước tiếp tục giao lưu, kế thừa thành quả, truyền thống của những thế hệ đi trước và làm sâu sắc hơn, phong phú hơn để tình hữu nghị giữa hai nước, nhân dân hai nước ngày càng được củng cố, mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hungary luôn xanh tươi, bền vững, ngày càng đơm hoa kết trái, giúp mỗi nước phát triển hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hai nước ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành hai nước đã chứng kiến các cơ quan, đơn vị hai nước trao 9 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo./.