Thủ tướng làm việc với ngân hàng về giảm lãi suất cho vay vào giữa tháng Ba

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, dự kiến hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tín dụng, giảm lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sẽ diễn ra vào giữa tháng Ba.

Thủ tướng sắp làm việc với ngân hàng về giảm lãi suất cho vay vào giữa tháng Ba. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại về việc chuẩn bị nội dung tham dự hội nghị do Thủ tướng chủ trì để bàn giải pháp thúc đẩy tín dụng.

Theo nội dung công văn, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng thương mại báo cáo tình hình triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng và giảm lãi suất cho vay.

Cụ thể, các ngân hàng thương mại báo cáo đánh giá nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp thời gian qua, khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin, số liệu tín dụng, lãi suất, đánh giá thực trạng, nguyên nhân tín dụng tăng thấp với từng ngành, lĩnh vực.

Các ngân hàng cũng đánh giá tình hình thực hiện giảm lãi suất cho vay thời gian qua và giải pháp cụ thể đã triển khai, sẽ triển khai tiết giảm chi phí, lợi nhuận để chia sẻ và giảm mặt bằng lãi suất. Báo cáo những khó khăn, vướng mắc từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể, thực chất để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ cũ vẫn còn duy trì lãi suất cao và dư nợ phát sinh mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu báo cáo phải được các ngân hàng thương mại gửi về Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) trước 14 giờ ngày 7/3.

Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu người đứng đầu các ngân hàng thương mại chuẩn bị báo cáo về hoạt động tín dụng, lãi suất để tham dự cuộc họp cùng Thủ tướng và các bộ, ngành về vấn đề tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất cho vay.

Dự kiến hội nghị sẽ được tổ chức vào giữa tháng Ba, do Thủ tướng chủ trì.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng đang ghi nhận ở mức khá thấp, thậm chí là âm, đặc biệt ở nhiều ngân hàng lớn, trong khi đó thanh khoản các ngân hàng lại rất dồi dào.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Ngân hàng thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nguyên nhân chung là do yếu tố mùa vụ. Cụ thể, thông thường yếu tố mùa vụ vào quý 4, hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, kéo theo hoạt động cho vay cũng sôi động hơn. Tháng cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng rất mạnh khoảng 4%. Sang tháng 1/2004, tháng Hai là tháng Tết nên hoạt động tín dụng sẽ giảm và hoạt động vay vốn cũng không được tăng trưởng như quý 4 năm trước.

Cũng theo Phó Thống đốc năm nay còn có yếu tố nữa là nền kinh tế thế giới thực sự chưa khởi sắc mà các thị trường chính của Việt Nam cũng chưa phát triển mạnh mẽ nên ảnh hưởng đến yếu tố đầu ra, xuất khẩu, trong khi đó thị trường trong nước còn khó khăn nên cầu về tín dụng cũng có sự suy giảm.

Chính vì vậy, để khơi thông dòng vốn, ngày 5/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 18/CĐ-TTg chỉ đạo nóng về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Theo đó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất năm 2024 hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Ngân hàng thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, ngoại tệ lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm./.