Thông qua 3 nghị quyết quan trọng, thúc đẩy phát triển KT-XH Thủ đô
HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua nghị quyết sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất; mức trần học phí.
Ngày 6/7, tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua nghị quyết sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, mức thu phí đối với các loại khoáng sản như sau: Đá làm vật liệu xây dựng thông thường, mức phí là 8.000 đồng/m3; các loại đá khác (đá vôi, đá sét làm xi măng, Puzolan) mức phí là 4.800đ/tấn; các loại cát khác (cát san lấp, cát xây dựng...) mức phí là 7.600 đồng/m3; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình mức phí là 3.200 đồng/m3; đất sét, đất làm gạch, ngói mức phí là 3.200 đồng/m3; cao lanh mức phí 11.200 đồng/m3; nước khoáng thiên nhiên mức phí 4.800 đồng/m3; than bùn mức phí 16.000 đồng/tấn.
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng nhất trí thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2022; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng Nhân dân thành phố. Theo đó, điều chỉnh giảm 16 dự án thu hồi đất năm 2022 với diện tích 59,13ha và 2 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2022 với diện tích 1,65ha.
Nghị quyết cũng điều chỉnh tăng về quy mô, diện tích đất thu hồi tại 59 dự án với diện tích 48,85 ha và diện tích đất trồng lúa tại 60 dự án với diện tích 63,2 ha; điều chỉnh giảm diện tích đất thu hồi tại 7 dự án với diện tích 2,04 ha và diện tích đất trồng lúa tại 1 dự án với diện tích 0,76ha.
Hội đồng Nhân dân thành phố cũng điều chỉnh tên dự án, đơn vị đăng ký, địa danh cấp xã thực hiện dự án (không thay đổi diện tích đất thu hồi và đất trồng lúa) tại 21 dự án.
Về kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng, trên cơ sở danh mục dự án được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua, các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố được cân đối trong nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách thành phố năm 2022 của Hội đồng Nhân dân thành phố. Các dự án sử dụng ngân sách cấp quận, huyện, thị xã do quận, huyện, thị xã bố trí; các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tự bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng năm 2022.
[Thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, thúc đẩy phát triển Thủ đô]
Chiều cùng ngày, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố cũng đã nhất trí thông qua nghị quyết quy định về mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô năm học 2022-2023.
Cụ thể, mức trần học phí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao cụ thể như sau: Trường mầm non, học trực tiếp mức học phí trần là 5.100.000 đồng/học sinh/tháng; học trực tuyến là 3.825.000 đồng/học sinh/tháng.
Trường tiểu học, học trực tiếp mức học phí trần là 5.500.000 đồng/học sinh/tháng; học trực tuyến là 4.125.000 đồng/học sinh/tháng; Trường Trung học cơ sở, học trực tiếp mức học phí trần là 5.300.000 đồng/học sinh/tháng; học trực tuyến là 3.975.000 đồng/học sinh/tháng; Trường Trung học Phổ thông, học trực tiếp mức học phí trần là 5.700.000 đồng/học sinh/tháng; học trực tuyến là 4.275.000 đồng/học sinh/tháng. Thời gian thực hiện mức học phí là năm học 2022-2023./.