Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil kêu gọi tìm giải pháp cho xung đột tại Ukraine
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đã kêu gọi cộng đồng quốc tế, các bên liên quan tìm giải pháp phù hợp cho cuộc xung đột đã kéo dài 7 tháng qua giữa Nga và Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 20/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm giải pháp phù hợp cho cuộc xung đột đã kéo dài 7 tháng qua giữa Nga và Ukraine.
Phát biểu tại Khóa họp 77 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ thế giới cần cùng nhau tìm ra một giải pháp ngoại giao thiết thực, phù hợp cho cả hai bên trong cuộc khủng hoảng này.
Tổng thống Erdogan hiện đang tận dụng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với cả Moskva và Kiev để nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này.
[Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga-Ukraine]
Từ khi xung đột nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức thành công nhiều cuộc gặp giữa các nhà đàm phán hai nước. Trong đó có cuộc gặp cấp cao giữa hai ngoại trưởng Nga và Ukraine vào ngày 10/3 vừa qua tại Antalya.
Cũng trong ngày 20/9, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã kêu gọi các bên liên quan xung đột tại Ukraine ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời chỉ trích các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, nhà lãnh đạo Brazil nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế không phải là cách tốt nhất để giải quyết xung đột. Ông nêu rõ chỉ có thể đạt được giải pháp cho vấn đề này thông qua đối thoại và đàm phán.
Tổng thống Bolsonaro cũng khẳng định lập trường của Brazil dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Vì vậy nước này đề nghị các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức, bảo vệ dân thường, các cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ người dân cũng như duy trì các kênh liên lạc.
Chính phủ Brazil cũng phản đối mọi biện pháp cô lập về ngoại giao và kinh tế, cảnh báo những hậu của của cuộc xung đột này ngày càng thể hiện rõ rệt qua giá cả lương thực, nhiên liệu và nhiều mặt hàng khác trên thị trường quốc tế và tác động của nó đã khiến cho thế giới đi ngược lại với các mục tiêu phát triển bền vững./.