Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới
Chương trình giáo dục phổ thông mới với các môn học mới nhưng giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ để có thể tự tin đứng lớp, đặc biệt là với môn Khoa học Tự nhiên.
Bài 3: Chương trình đi trước, giáo viên mải mướt theo sau
Năm học 2023-2024 này, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai ở bậc trung học cơ sở đến năm thứ ba, nhưng dạy các môn học mới như môn tích hợp Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục địa phương, trong đó đặc biệt là môn Khoa học Tự nhiên vẫn là thách thức với nhiều giáo viên khi thầy cô chưa được bồi dưỡng hoặc chỉ được bồi dưỡng ngắn hạn.
Chưa đào tạo, làm sao đứng lớp?
Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 với các môn tích hợp Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2021-2022 nhưng đến cuối tháng 7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành các quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT về chương trình bồi dưỡng giáo viên hai môn học này, trước thềm năm học mới vỏn vẹn một tháng.
Phần đầu của hai quyết định này đều khẳng định: Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Mỗi chương trình bồi dưỡng gồm từ 20-26 tín chỉ.
Theo các giáo viên, việc ban hành chương trình bồi dưỡng của Bộ Giáo dục và Đào tạo là quá chậm. “Để học được chứng chỉ phải mất thời gian ít nhất ba tháng nếu học tập trung, trong khi giáo viên vẫn đi dạy, dù tranh thủ dịp nghỉ Hè vẫn phải mất khoảng 4 đến 6 tháng. Chưa kể học xong phải có thời gian để hấp thụ, lên kế hoạch, thu thập tài liệu, soạn bài giảng cho môn học hoàn toàn mới. Tôi cho rằng chương trình bồi dưỡng cần phải ban hành trước khi triển khai chương trình mới ít nhất một năm vì không phải cứ có công văn là giáo viên được đi học ngay,” cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên một trường trung học cơ sở ở Hải Dương nói.
Chia sẻ của cô Hương là rất thực tế, vì thậm chí đến nay, sau hơn hai năm Bộ ban hành các quyết định trên, nhiều giáo viên vẫn chưa được đi bồi dưỡng vì vướng vấn đề tài chính khi mức học phí khoảng từ 3 đến 5 triệu đồng. Theo quyết định của Bộ, kinh phí bồi dưỡng từ ba nguồn: “Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng; do người học tự đóng góp.” Đây là vấn đề rất khó khăn khi trách nhiệm tài chính không cụ thể cho một bên nên ở các vùng giáo viên đời sống khó khăn, trường không có kinh phí, địa phương không tổ chức lớp, người chịu thiệt là học sinh.
Trước thềm khai giảng năm học 2023-2024 này, Trường Trung học cơ sở Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vẫn chưa có một giáo viên nào được tham gia bồi dưỡng dạy môn tích hợp.
“Trường cũng rất mong nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kế hoạch nào của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hiển hay Sở giáo dục và Đào tạo Cà Mau cho bồi dưỡng giáo viên môn tích hợp để cử thầy cô tham gia. Chúng tôi chỉ nhận được thông tin từ các trường sư phạm về việc mở lớp bồi dưỡng, nhưng tham gia thì giáo viên phải tự túc kinh phí trong khi các thầy cô thu nhập không cao, đời sống khó khăn, trường cũng không có điều kiện hỗ trợ. Trường thuộc xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đi học không chỉ phải tốn tiền học phí mà còn tiền ăn, tiền ở, chứ không thể sáng đi, chiều về,” thầy Lê Hồng Quân, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đất Mũi chia sẻ.
Kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp cũng là vấn đề được các giáo viên thẳng thắn đặt ra với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong buổi gặp gỡ giáo viên cả nước trước thềm năm học mới vừa được Bộ tổ chức ngày 15/8 vừa qua.
[Ngành giáo dục nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ năm học]
Chia sẻ với Bộ trưởng, cô Hoàng Hải Vân, giáo viên Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) cho hay dạy tích hợp là cơ hội để giáo viên tiếp thu phương pháp dạy học hiện đại, yêu cầu giáo viên bồi dưỡng để dạy tích hợp là do thay đổi từ chương trình nhưng lại không có chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia bồi dưỡng các môn này. “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, phối hợp với các ngành chức năng đề xuất chính sách hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho đội ngũ giáo viên,” cô Vân nói.
Lúng túng dạy tích hợp
Cô Khổng Thị Thái, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hùng Đức, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho hay trong năm học vừa qua, giáo viên của trường vừa dạy chương trình mới, vừa tranh thủ cuối tuần đi học bồi dưỡng về dạy tích hợp.
Thầy cô chưa được đào tạo nên thay vì một giáo viên đảm nhiệm cả môn học này, trường vẫn phải phân công công tác giáo viên dạy theo từng môn riêng lẻ. Chỉ riêng việc sắp xếp thời khóa biểu thôi đã là vấn đề đau đầu với các thầy cô và ban giám hiệu nhà trường. Đây cũng là thực tế ở rất nhiều trường trung học cơ sở trên cả nước trong hai năm học vừa qua, từ vùng khó khăn đến vùng thuận lợi, từ nông thôn đến Thủ đô Hà Nội.
“Tôi được đào tạo về Hóa-Sinh, kiến thức môn Vật lý ở chương trình môn tích hợp Khoa học Tự nhiên ở lớp 6, 7 tuy chưa khó nhưng kiến thức chuyên sâu đủ để có thể tự tin đứng lớp thì không đủ,” thầy Nguyễn Minh Tuấn, Trường Trung học cơ sở Đất Mũi chia sẻ.
Ở cả chương trình lớp 6 và lớp 7, các chuyên đề đầu đều tập trung vào môn Hóa đến khoảng giữa học kỳ I, chuyên đề tiếp theo tập trung vào môn Vật lý đến đầu học kỳ II, sau đó là các chuyên đề nghiêng về môn Sinh học. Vậy nên đầu năm học, giáo viên môn Hóa học rất bận rộn trong khi giáo viên hai môn còn lại rảnh rỗi. Cuối học kỳ I và đầu học kỳ II thì đến thời gian cao điểm của giáo viên môn Vật lý. Học kỳ hai là thời gian vất vả kín tuần của giáo viên Sinh học. Thời khóa biểu phải thay đổi liên tục và bất cập về thời gian làm việc của giáo viên.
“Theo tôi, việc dạy tích hợp là hướng đi đúng nhưng do giáo viên chưa được đào tạo bồi dưỡng nên dù đã nỗ lực, chúng tôi vẫn chưa thể đảm bảo được mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra là dạy kiến thức liên môn cho học sinh. Để có thể đảm bảo được mục tiêu này, giáo viên cần phải được đào tạo, bồi dưỡng phần kiến thức môn học còn thiếu cũng như về việc dạy tích hợp vì đây là môn học mới,” thầy Tuấn thẳng thắn nói.
Cùng quan điểm này, thầy Lê Hồng Quân, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đất Mũi cho biết: “Tích hợp là đúng hướng vì các môn học có sự liên quan và có thể đi theo một mạch chung. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi cho rằng dạy học tích hợp là tốt và hay hơn so với dạy đơn môn như trước đây. Tuy nhiên, giáo viên cần phải được bồi dưỡng.”
Trước sự lúng túng của các trường, thầy Quân cho biết năm học 2023-2024 này, trường đã nhận được hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hiển về việc sẽ dạy đồng thời các chuyên đề để giáo viên không còn phải dạy học theo kiểu “no dồn, đói góp”. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến mạch kiến thức của chương trình và khó khăn trong kiểm tra, đánh giá.
Trên thực tế, ngay cả khi được bồi dưỡng, các giáo viên cũng chưa thể ngay lập tức đảm nhiệm được môn tích hợp mà cần phải có độ “lùi” để tiếp tục bổ sung kiến thức, rèn luyện chuyên môn.
Vốn là giáo viên dạy Sinh học và chỉ được bồi dưỡng các môn Hóa học và Vật lý ngắn hạn nên cô Đinh Thị Mỹ Hạnh, (Trường Trung học cơ sở Thuần Mỹ, Hà Nội) cho hay khi dạy môn Khoa học Tự nhiên, cô phải vừa dạy, vừa tự tìm hiểu bố sung kiến thức để đáp ứng yêu cầu.
Theo các giáo viên, để dạy sâu cho học sinh hiểu đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo bài bản. Không được đào tạo bài bản thì với những câu hỏi khó của học sinh, giáo viên cũng khó khăn trong việc giải đáp thắc mắc của các em.
Tại trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cô Hiệu trưởng Chu Thị Xuân Hường cho hay giáo viên đã được học bồi dưỡng dạy tích hợp từ năm học 2021-2022 nhưng chưa thể dạy tích hợp ngay. Năm học 2022-2023, trường mới bắt đầu thực hiện một giáo viên dạy cả môn tích hợp ở lớp 6. Với khối lớp 7, vẫn bố trí nhiều giáo viên dạy chung một môn.
Cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên Trường Trung học cơ sở Đặng Thai Mai (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) cho biết việc bồi dưỡng theo khung chương trình của Bộ cơ bản giúp giáo viên có thể dạy được cả môn tích hợp. Tuy nhiên để giáo viên tự tin hơn, dạy học hiệu quả hơn, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn để tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ giáo viên.
Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc dạy môn tích hợp theo cách bố trí các giáo viên đơn môn lần lượt thay nhau dạy các chuyên đề là không đạt mục tiêu của chương trình mới. Vì vậy, việc bồi dưỡng giáo viên dạy học tích hợp phải được triển khai càng sớm càng tốt, nhất là khi năm học 2023-2024 này, môn tích hợp đã được dạy đến lớp 8.
Trong buổi gặp gỡ giáo viên cả nước ngày 15/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay ông rất chia sẻ với những khó khăn mà giáo viên, cơ sở giáo dục đang gặp phải khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó có dạy học tích hợp, liên môn ở cấp trung học cơ sở.
Theo Bộ trưởng, đây là điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định.
Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng.
“Trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp trung học cơ sở. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục,” Bộ trưởng nói.
Bài 1: Đỏ mắt tìm giáo viên, trường “giật gấu vá vai” chạy đua năm học mới
Bài 2: 13.000 giáo viên nghỉ việc mỗi năm, cách nào giữ chân nhà giáo?
Bài 4: Phải đảm bảo đội ngũ giáo viên, cả số lượng và chất lượng