Thị trường tiếp tục xu hướng thận trọng trong bối cảnh áp lực bán gia tăng
Thị trường đang đối mặt với nhiều thách thức, các đánh giá chung cho rằng sự thận trọng trong thời điểm này là cần thiết, trong bối cảnh thiếu vắng thông tin sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch đầy biến động với áp lực điều chỉnh mạnh, đẩy VN-INDEX lùi về vùng giá thấp nhất năm 2023. Những đánh giá chung cho rằng sự thận trọng trong thời điểm này là cần thiết, do bối cảnh thị trường bước vào giai đoạn thiếu vắng thông tin sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3.
Dòng vốn ngoại rút ròng hơn 1.046 tỷ đồng
Theo báo cáo ghi nhận từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), VN-INDEX kết thúc tuần giao dịch với mức giảm 2,55% và dừng chân ở 1.252,72 điểm. Đầu tuần, đà phục hồi đã đưa chỉ số lên vùng 1.290 điểm, song sau đó sức mua thị trường nhanh chóng bị dập tắt bởi áp lực bán kéo dài trong các phiên liên tiếp.
Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích của SHS, cho biết độ rộng thị trường nghiêng về xu hướng tiêu cực. Trên thực tế, hầu hết các nhóm ngành đều đối mặt chịu áp lực điều chỉnh, ngoại trừ nhóm bất động sản duy trì được sự tích cực. Theo đó, thanh khoản trên sàn HoSE giảm nhẹ so với tuần trước đó, cụ thể khối lượng khớp lệnh giảm 3,01%. Đáng lưu ý, dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục rút ròng với giá trị hơn 1.046 tỷ đồng. Khối ngoại tập trung bán mạnh ở các mã HPG, MSN, STB, DGC. Song ngược lại, họ mua ròng tập trung vào VPB và MWG.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2411 cũng giảm 2,83%, đóng cửa ở mức 1.327,20 điểm. Theo ông Nhật, mức chênh lệch dương so với chỉ số VN30 thể hiện sự kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi trong ngắn hạn. Tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai giảm nhẹ so với tuần trước, nhưng vẫn duy trì ở mức trung bình 20 phiên. Bên cạnh đó, sự gia tăng đáng kể khối lượng mở (OI) lên 58.103 hợp đồng, phần nào cho thấy nhà đầu tư đang gia tăng các vị thế nắm giữ, thể hiện sự quan tâm vào thị trường.
Khả năng tiếp tục điều chỉnh ngắn hạn
Về phân tích kỹ thuật, ông Phan Tấn Nhật khá thận trọng và đưa ra nhận định xu hướng ngắn hạn của VN-INDEX tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng 1.245 - 1.255 điểm, trùng với vùng giá thấp nhất năm ngoái. Hiện, mức kháng cự gần nhất của chỉ số được xác định quanh mốc 1.270 điểm. Về trung hạn, ông Nhật kỳ vọng VN-INDEX sẽ tăng trưởng trên vùng hỗ trợ 1.250 điểm và hướng đến vùng 1.300 điểm. Đây là vùng kháng cự mạnh tương đương với đỉnh giá đầu năm 2024 và giai đoạn tháng 6-8/2022.
Theo ông Nhật, việc chỉ số vượt qua ngưỡng kháng cự 1.300 điểm đòi hỏi sự hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô tích cực cộng thêm thông tin về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng vượt trội. Trên bình diện quốc tế, các yếu tố bất định địa chính trị như cuộc chiến Nga-Ukraine và những căng thẳng tại Trung Đông có sự hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhấn mạnh việc VN-Index kết thúc cuối tuần bằng phiên “đỏ lửa” do áp lực từ diễn biến điều chỉnh rung lắc. Trên thị trường, áp lực bán và sự điều chỉnh xuống của nhóm cổ phiếu bluechip là cản trở lớn khiến thị trường liên tục suy yếu và mất điểm. Các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục xuống đến vùng thấp, tuy nhiên thanh khoản dao động ổn định, chưa ghi nhận biến động mạnh nên thị trường chưa quá tiêu cực.
Theo VCBS, mặc dù diễn biến điều chỉnh trên thị trường vẫn chiếm ưu thế nhưng nhìn chung biên độ giảm không quá lớn. Do đó, thị trường có sự đồng thuận của dòng tiền và thanh khoản thì kỳ vọng VN-Index sẽ cân bằng tại vùng điểm 1.250. Các nhà đầu tư duy trì tỷ trọng danh mục ở mức vừa phải. Một số nhóm ngành có thể cân nhắc chọn lọc là bất động sản, viễn thông và công nghệ.
Trong ngắn hạn, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư không nên mua đuổi. Quá trình tích lũy có thể kéo dài do thị trường bước vào giai đoạn trống thông tin sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 và trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ. Vùng giá hợp lý cho VN-INDEX được xác định trong khoảng 1.250-1.260 điểm, tương ứng với vốn hóa toàn thị trường khoảng 290 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhà đầu tư hạn chế bán ra ở vùng giá này và tập trung vào việc lựa chọn các mã cổ phiếu chất lượng tốt, đặc biệt là các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản vững chắc sau khi đánh giá kết quả kinh doanh quý 3./.