Thị trường thép châu Á chao đảo do giá thép rẻ bất ngờ của Nga

Tại Đài Loan, China Steel, nhà sản xuất có quy mô tương tự với U.S. Steel Corp, cho biết đang theo dõi dòng tiền tiềm năng của các sản phẩm thép cán nóng của Nga trong bối cảnh Nga giảm giá thép.

Các nhà máy thép của Nga hiện cũng đang đẩy mạnh bán với giá thấp. (Nguồn: bloomberg)

Dòng chảy bất thường các sản phẩm giá rẻ của Nga đang làm chao đảo thương mại thép ở châu Á, đè nặng lên giá cả và khiến một nhà sản xuất chủ chốt trong khu vực phải cảnh báo về các biện pháp đáp trả thương mại có thể xảy ra.

Theo các nhà sản xuất thép châu Á, Nga đang cố gắng gửi thêm thép về phía Đông sau khi các lệnh trừng phạt phong tỏa các thị trường lớn ở phương Tây trong bối cảnh căng thẳng ở Ukraine đang làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ở Biển Đen.

Khối lượng thép tăng lên có thể gây áp lực lên các thị trường vốn đang gặp khó khăn trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc giảm sút.

Mới đây, Tập đoàn thép China Steel (CSC), có trụ sở tại vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết đang thu thập bằng chứng trong trường hợp cần thực hiện các bước "chống lại các hành vi thương mại không công bằng."

Trong khi đó, theo nhà sản xuất Tokyo Steel Manufacturing Co của Nhật Bản, Trung Quốc có thể sẽ chuyển sang loại thép giảm giá của Nga khi nhu cầu nhập khẩu của nước này hồi phục, thay vì nhập khẩu các sản phẩm từ châu Á.

[Gia hạn rà soát chống bán phá giá thép hình chữ H xuất xứ Trung Quốc]

Mặc dù quy mô nhỏ hơn nhiều nhưng sự thay đổi trong thương mại thép thể hiện phần nào thực trạng của các thị trường khác từ than đá sang dầu thô, với việc Nga đang tìm kiếm người mua mới khi đối mặt với các lệnh trừng phạt và tẩy chay quốc tế. Phần lớn thép thặng dư của Nga, đặc biệt là sản phẩm sơ chế được gọi là phôi, đã chảy sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, các nhà máy thép của Nga hiện cũng đang đẩy mạnh bán với giá thấp hơn ở Trung Quốc và các điểm đến châu Á khác.

Đối với Tokyo Steel, chuyên sản xuất hợp kim từ kim loại phế liệu, sự xuất hiện các sản phẩm của Nga là thuận lợi do tác động mạnh lên giá phế liệu của khu vực.

Các nhà sản xuất phôi trên khắp Đông Nam Á, vốn đã trở thành nhà cung cấp lớn cho Trung Quốc trong những năm gần đây, đang cắt giảm sản lượng. Điều đó có nghĩa là họ đang mua ít nguyên phế liệu hơn, bao gồm cả từ Nhật Bản, để cung cấp nhiều hơn cho Tokyo Steel.

Soichiro Tsuda, một quan chức của Tokyo Steel, cho biết các sản phẩm thép của Nga là “nhân tố hoàn toàn mới chưa từng có trước đây” trên thị trường sắt thép phế liệu. Giá phế liệu của Nhật Bản đã giảm hơn 1/4 từ mức cao ghi nhận trước đó vào tháng 4/2022. Giá phế liệu có thể sẽ giảm hơn nữa, hoặc tốt nhất là ở mức hiện tại.

Tại Đài Loan, China Steel, nhà sản xuất có quy mô tương tự với U.S. Steel Corp, cho biết đang theo dõi dòng tiền tiềm năng của các sản phẩm thép cán nóng của Nga trong bối cảnh Nga giảm giá thép.

Nhà sản xuất này tuyên bố các nhà máy thép của Nga đang mong muốn chuyển sang thị trường châu Á để bán với giá thấp hơn so với thị trường quốc tế nhằm loại bỏ các sản phẩm thép dư thừa.

Việc bán các sản phẩm thép giá rẻ trên quy mô lớn của Nga hiện đang làm chao đảo và xáo trộn nghiêm trọng trật tự của thị trường thép nội địa./.

An Nguyễn (TTXVN/Vietnam+)