Thị trường tài chính tiêu dùng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới
Với hành lang pháp lý mới, thị trường tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới khi có sự tham gia mạnh mẽ hơn từ phía các ngân hàng thương mại.
Sau thời gian chững lại và đối mặt với nhiều thách thức, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục trở lại.
Đặc biệt, với hành lang pháp lý mới, thị trường tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới khi có sự tham gia mạnh mẽ hơn từ phía các ngân hàng thương mại.
Tăng trưởng trở lại
Hoạt động kinh doanh cốt lõi ghi nhận sự tăng trưởng khá tích cực, trong khi nợ xấu có xu hướng giảm nhẹ. Đó là tình hình chung của phần lớn các công ty tài chính tiêu dùng trong nửa đầu năm nay sau mùa báo cáo tài chính quý 2 vừa qua.
Tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính HD Saison, cho biết kết quả kinh doanh của HD Saigon tăng trưởng rất ấn tượng trong 6 tháng đầu năm nay, khi dư nợ cho vay tăng 9% so với cùng kỳ, đạt gần 17.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, tăng trưởng khách hàng mới tại công ty tài chính này đạt gần 20%.
Lợi nhuận trước thuế của HD Saison theo đó đạt 601 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng gấp đôi cùng kỳ năm trước và gần bằng lợi nhuận cả năm ngoái (660 tỷ đồng).
Theo ông Đàm Thế Thái, yếu tố chính giúp HD Saison đạt được kết quả trên là nhờ biên lãi thuần (NIM) tiếp tục được cải thiện, đạt mức 30%, từ mức 29% ở cùng kỳ.
Trong khi đó, chất lượng tài sản đã cải thiện hơn, khi tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng Sáu vừa qua là 7,5%, giảm nhẹ so với mức 7,9% ở cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả khả quan trong nửa đầu năm, lãnh đạo HD Saison tự tin với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 25% và lợi nhuận sau thuế đạt hoặc vượt 1.000 tỷ đồng đã đề ra trong năm nay.
Báo cáo tài chính quý 2 vừa qua của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc cùng chất lượng cho vay cải thiện.
Cụ thể, trong quý 2, EVNFinance đạt hơn 385 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 549% so với cùng kỳ năm ngoái. Với nguồn thu chính tăng mạnh sau khi trừ chi phí, EVNFinance lãi trước thuế hơn 146 tỷ đồng, tăng 57% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, công ty báo lãi trước thuế đạt 311 tỷ đồng, tăng 56% so cùng kỳ, dù đã tăng gấp đôi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Đáng chú ý, tại thời điểm 30/6 vừa qua, nợ xấu của EVNFinance đã giảm tới 38% so với đầu năm; trong đó nợ nhóm 4 và nhóm 5 đều giảm mạnh. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng chỉ còn 0,71%, từ mức 1,3%.
Tại FE Credit - công ty con của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng ghi nhận sự phục hồi tích cực trong nửa đầu năm nay.
VPBank cho biết theo đà phục hồi của cầu tiêu dùng, tín dụng cốt lõi từ mảng tài chính tiêu dùng của FE Credit trong quý 2 vừa qua tăng trưởng 3,5% so với quý 4/2023. Doanh số giải ngân trong quý tăng 9% so với quý trước đó và lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VPBank, hoạt động tái cấu trúc toàn diện nhằm cải thiện chất lượng danh mục, tăng cường hiệu quả thu hồi nợ và tối ưu bộ máy vận hành đã từng bước đưa công ty tài chính tiêu dùng tìm lại chu kỳ tăng trưởng mới.
Kỳ vọng vào sự tham gia nhiều hơn từ khối ngân hàng
Bên cạnh sự phục hồi của các công ty tài chính, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam được kỳ vọng khởi sắc hơn trong thời gian tới khi nền kinh tế dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực và những chính sách mới thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn từ phía các ngân hàng thương mại.
Đặc biệt, đầu tháng Bảy vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 12/2024/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số nội dung của Thông tư 39/2016/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cho vay các khoản dưới 100 triệu đồng không phải bắt buộc khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tham gia của khối ngân hàng thương mại trong hoạt động cho vay tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen.
Theo bà Nguyễn Linh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước, việc quy định khoản vay dưới 100 triệu đồng không yêu cầu khách hàng phải có phương án sử dụng vốn khả thi. Thay vào đó, khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin tối thiểu sử dụng vốn hợp pháp và khả năng tài chính trước khi tổ chức tín dụng cho vay vốn.
Những thay đổi này giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ một cách dễ dàng hơn, góp phần kích thích sự phát triển của tài chính tiêu dùng, hạn chế được tín dụng đen trên thị trường.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cũng cho rằng Thông tư số 12/2024/TT-NHNN sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động cho vay tiêu dùng. Đây không phải là quy định lỏng lẻo mà mục đích đẩy mạnh tài chính tiêu dùng, tạo thuận lợi thực sự cho người dân tiếp cận vốn tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp. Một số ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank… trước đây luôn tập trung vào phân khúc cho vay doanh nghiệp, nay cũng chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng.
Báo cáo của Fiin Group cũng cho thấy thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Sự phục hồi của thị trường sẽ rõ rệt hơn từ nửa sau của năm nay.
Trong ngắn hạn, con đường phục hồi sẽ được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô bao gồm sự hồi phục của các ngành sản xuất và xuất khẩu dự kiến sẽ cải thiện chất lượng tín dụng và nhu cầu tín dụng của công nhân, lao động động phổ thông, những người có thu nhập từ thấp đến trung bình là tập khách hàng chính trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng và từ việc số hóa hành trình khách hàng, cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng.
Dù có nhiều tín hiệu phục hồi, tuy nhiên thị trường tài chính tiêu dùng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh chung nợ xấu có xu hướng gia tăng ở các tổ chức tín dụng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tình trạng nợ xấu ở khối cho vay tiêu dùng vẫn khá đáng lo ngại.
Thời gian qua đã xuất hiện những hội nhóm lôi kéo, bày cho nhau cách bùng nợ, chây ì trả nợ… trên mạng xã hội. Dù bản thân các đơn vị cho vay đã có những biện pháp và sự vào cuộc của cơ quan chức năng song công tác thu hồi nợ đối với nhóm khách hàng này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Do đó, để thị trường tài chính tiêu dùng thực sự hồi sinh và tăng trưởng bền vững, các chuyên gia cho rằng, cần rất nhiều sự thay đổi đến từ cải thiện môi trường pháp lý, đặc biệt là các quy định hướng dẫn trong việc thu hồi nợ.
Về phía các tổ chức cho vay tiêu dùng bên cạnh việc minh bạch trong hoạt động thu hồi nợ, chi phí vay… cũng cần có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết và trả nợ của khách hàng. Điều này sẽ giúp các tổ chức tín dụng hạn chế nợ xấu, bảo đảm khả năng thu hồi nợ gốc, lãi vay đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận.
Bản thân người đi vay cũng phải có nhận thức trong việc tiêu dùng có trách nhiệm và trả nợ đúng hạn…/.