Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động
Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự giảm nhẹ. Giá gạo xuất khẩu cũng giảm, có thời điểm gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức dưới 500 USD/tấn.
Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự giảm nhẹ. Giá gạo xuất khẩu cũng giảm, có thời điểm gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức dưới 500 USD/tấn.
Trong bối cảnh cuối năm, thị trường lúa gạo dự kiến sẽ không có nhiều biến động lớn, do giao dịch mới vẫn khá hạn chế.
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 7.400 – 7.600 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; lúa OM 5451 có giá từ 8.400 – 8.500 đồng/kg, giảm 200 - 300 đồng/kg; Đài thơm 8 (tươi) từ 9.100 – 9.200 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; tương tự OM 18 (tươi) từ 8.900 – 9.000 đồng/kg, cũng giảm 100 đồng/kg…
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 17.000 - 18.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000 – 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg…Gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 9.000 – 9.200 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 từ 11.100 - 11.300 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.550 – 8.600 đồng/kg. Hiện, giá tấm thơm ở mức 8.400 – 8.600 đồng/kg; giá cám khô ở mức 5.600 – 5.700 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến 12/12, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch lúa Thu Đông được 602.000/710.000 ha, năng suất khoảng 58,84 tạ/ha, sản lượng ước đạt 3,542 triệu tấn lúa.
Vụ Đông Xuân 2024-2025, vùng đã xuống giống được 965.000 ha/1,49 triệu ha diện tích kế hoạch. Một số diện tích nhỏ đã bắt đầu thu hoạch.
Về xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 495-508 USD/tấn, giảm so với mức 509 USD/tấn của tuần trước.
Một nhà giao dịch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết giá gạo đã giảm thêm sau khi Bộ Nông nghiệp Philippines ra tín hiệu sẽ mua gạo từ Ấn Độ và Pakistan.
Philippines là một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.Chung xu hướng thị trường, giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ cũng giảm trong bối cảnh đồng rupee mất giá và nguồn cung tăng lên.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu, được chào bán ở mức từ 440 - 446 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức từ 444 - 450 USD/tấn của tuần trước. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá từ 447 - 455 USD/tấn.
Đồng rupee của Ấn Độ đã chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD phiên ngày 19/12, giúp các nhà xuất khẩu tăng lợi nhuận.
Gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 512 USD/tấn, so với mức từ 510 - 515 USD/tấn của tuần trước. Các nhà giao dịch cho rằng sự biến động này là do tỷ giá hối đoái, trong khi nhu cầu vẫn ổn định.
Một nhà giao dịch dự đoán giá gạo sẽ giảm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán do nguồn cung từ Ấn Độ tăng lên.
Trong khi đó, Bangladesh đang nhập khẩu 100.000 tấn gạo trắng từ Myanmar thông qua một thỏa thuận liên chính phủ với giá 515 USD/tấn, trong nỗ lực kiểm soát giá cả tăng cao. Bangladesh cũng đang nhập khẩu gạo đồ, chủ yếu từ Ấn Độ, thông qua các gói thầu.
Mặc dù nắm giữ lượng dự trữ đáng kể gần 1,2 triệu tấn lương thực, bao gồm 742.000 tấn gạo, song Chính phủ Bangladesh vẫn đang phải vật lộn để kiềm chế giá cả leo thang.
Về thị trường nông sản Mỹ, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago ngày 20/12, giá đậu tương kỳ hạn đã tăng do hoạt động mua vào mang tính kỹ thuật, sau khi dự báo về một vụ mùa bội thu ở Nam Mỹ khiến giá đậu tương giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm hôm 19/12.
Cụ thể, giá đậu tương phiên 20/12 tăng 11,05 xu lên 9,74 USD/bushel, nhưng vẫn giảm 1,4% khi tính theo tuần. Giá đậu tương kỳ hạn đã chạm mức thấp nhất trong 4 năm là 9,45 USD/bushel hôm 19/12 do dự báo về một vụ thu hoạch đậu tương kỷ lục ở Brazil gây áp lực lên giá.
Giá lúa mỳ kỳ hạn không đổi ở mức 5,33 USD/bushel trong phiên 20/12, nhưng giảm 3,4% khi tính theo tuần. Còn giá ngô kỳ hạn tăng 5,05 xu lên 4,46 USD/bushel trong phiên 20/12, và tăng 0,96% trong tuần.
Các mặt hàng nông sản đang chịu áp lực từ đồng USD đang ở gần mức cao nhất trong hai năm. Đồng USD mạnh hơn khiến nông sản Mỹ kém cạnh tranh hơn ở nước ngoài.
Các gói thầu nhập khẩu lúa mỳ trong tuần này cho thấy nguồn cung từ Biển Đen vẫn dồi dào, trong khi vụ mùa bội thu ở Argentina và Australia đang làm tăng tính cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu.
Trong khi đó, giá ngô đã được hỗ trợ nhờ dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về lượng tồn kho cuối vụ giảm.
Về thị trường càphê thế giới, giá càphê thế giới diễn biến trái chiều vào phiên cuối tuần này. Giá càphê Robusta tiếp đà giảm, trong khi giá càphê Arabica tăng, một phần do hoạt động đầu cơ mua mạnh trên sàn, khi thông tin mất mùa vẫn lan tràn với nhiều nhận định khác nhau.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, phiên 20/12, giá càphê robusta giao tháng 1/2025 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 50 USD xuống 5.011 USD/tấn. Giá càphê robusta giao tháng 3/2025 giảm 44 USD xuống 5.002 USD/tấn.
Trong khi đó, giá càphê Arabica giao tháng 3/2025 trên sàn ICE Futures US New York tăng 1,25 xu lên 325,00 xu/lb. Giá càphê Arabica giao tháng 5/2025 tăng 1 xu lên 319,30 xu/lb (1 lb=0,45kg).
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mang lại cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực cho giá càphê.
Theo đó, sản lượng càphê toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 được dự báo sẽ tăng 4% so với niên vụ trước, đạt 174,855 triệu bao, với sản lượng càphê arabica tăng 1,5% lên 97,845 triệu bao và sản lượng càphê robusta tăng 7,5% lên 77,01 triệu bao.
Tuy nhiên, lượng tồn kho càphê cuối kỳ trong niên vụ 2024-2025 dự báo sẽ giảm 6,6%, xuống mức thấp nhất trong 24 năm, còn 20,9 triệu bao, so với 22,3 triệu bao trong niên vụ 2023-2024.
Các yếu tố như thời tiết bất lợi và sự thay đổi trong cung-cầu toàn cầu đang góp phần tạo ra sự bất ổn về giá.
Giácà phê tại Việt Nam giảm ngày thứ tư liên tiếp, hiện giao dịch trong khoảng 122.500 - 124.000 đồng/kg tùy từng địa phương./.