Thị trường dầu mỏ thế giới ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp
Các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với hoạt động thương mại năng lượng của Nga làm gia tăng lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ.
Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần 17/1, nhưng vẫn ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp.
Các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với hoạt động thương mại năng lượng của Nga làm gia tăng lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 50 xu (0,6%) xuống 80,79 USD/thùng, nhưng vẫn tăng 1,3% khi tính chung cả tuần. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 80 xu (1%) xuống 77,88 USD/thùng, nhưng vẫn tăng 1,7% trong tuần.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, cho biết các lệnh trừng phạt đối với Nga đang gây ra tình trạng thắt chặt nguồn cung ở châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố các lệnh trừng phạt mở rộng trong tuần trước nhắm vào các nhà sản xuất dầu và tàu chở dầu của Nga.
Các nhà đầu tư cũng đang đánh giá những tác động tiềm tàng từ việc Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1. Người được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Tài chính cho biết ông sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với dầu của Nga.
Tuy nhiên, một nhân tố đang gây sức ép đi xuống đối với thị trường dầu mỏ là dự báo về khả năng các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen vào các tàu ở Biển Đỏ sẽ tạm dừng sau thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.
Các cuộc tấn công của Houthi đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu, buộc các tàu phải thực hiện các hành trình dài hơn và tốn kém hơn vòng quanh miền Nam châu Phi trong hơn một năm qua.
Kỳ vọng về nhu cầu tăng đã hỗ trợ phần nào cho thị trường dầu mỏ lúc đầu phiên 17/1. Dữ liệu trong tuần cho thấy lạm phát đang giảm ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, củng cố kỳ vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất.
Các nhà giao dịch cũng đang đánh giá dữ liệu mới từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới. Nền kinh tế của nước này đã đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2024.
Tuy nhiên, dữ liệu của chính phủ công bố ngày 17/1 cho thấy, công suất lọc dầu của Trung Quốc trong năm 2024 đã giảm lần đầu tiên sau hơn 20 năm, không tính năm đại dịch 2022, do các nhà máy giảm hoạt động để đối phó với nhu cầu nhiên liệu trì trệ và lợi nhuận giảm sút./.