Thị trường chứng khoán tiếp tục tích lũy trong bối cảnh thận trọng

Thị trường chứng khoán ghi nhận một tuần giao dịch với tâm lý thận trọng, khiến VN-Index tiếp tục dao động trong biên độ hẹp quanh ngưỡng kỹ thuật 1.250 điểm.

Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến diễn biến rung lắc, tích lũy trong biên độ hẹp. Dưới áp lực từ thị trường thế giới và các yếu tố vĩ mô trong nước, VN-Index vẫn duy trì trên vùng hỗ trợ quan trọng.

VN-Index trải qua ba phiên đầu tuần đi ngang tích lũy, sau đó chịu áp lực điều chỉnh mạnh trong phiên thứ Năm (ngày 19/12) trước khi phục hồi nhẹ vào phiên cuối tuần.

Sau tuần giao dịch, VN-Index giảm nhẹ 0,40% và về mức 1.257,50 điểm, giao dịch dưới đường giá trung bình 200 phiên (MA200) quanh 1.260 điểm. Cùng với đó, thanh khoản trên sàn HoSE giảm 9,05% so với tuần trước.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), phiên giảm điểm mạnh ngày thứ Năm do chịu ảnh hưởng từ tin tức vĩ mô và thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện giúp thị trường chứng khoán cân bằng tại hỗ trợ 1.250 điểm của VN-Index.

Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), cho biết VN-Index đã có hai tuần liên tiếp chịu áp lực điều chỉnh sau khi phục hồi từ vùng giá 1.200 điểm. Hiện, áp lực điều chỉnh, tích lũy tương đối bình thường tại nhiều mã. Bên cạnh đó, thị trường ghi nhận vẫn có nhiều mã đi lên tích cực và vượt vùng giá đỉnh cũ, qua đó thể hiện phân hóa khá lớn.

Trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu tác động từ nhiều yếu tố, bao gồm áp lực từ thị trường thế giới, biến động tỷ giá và áp lực giảm dư nợ vay ký quỹ cuối năm. Bên cạnh đó, các nhà đầu nước ngoài vẫn duy trì bán ròng với giá trị 1.325 tỷ đồng trên sàn HoSE và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ông Nhật đánh giá xu hướng trung hạn của VN-Index triển vọng nằm trong kênh tích lũy rộng (từ đầu năm đến nay) trong vùng 1.200-1.300 điểm với vùng giá cân bằng quanh 1.250 điểm.

Hơn nữa, các chuyên gia cho rằng mặc dù chịu áp lực ngắn hạn, song xu hướng trung và dài hạn vẫn tích cực với mức vốn hóa toàn thị trường khoảng 295 tỷ USD, tương đương P/E khoảng 12 lần. Hiện, thị trường chứng khoán đang được xem là hấp dẫn so với quy mô nền kinh tế và kỳ vọng tăng trưởng GDP 7% vào năm 2025.

“Đây là vùng vốn hóa hợp lý của thị trường và tương đối hấp dẫn so với quy mô nền kinh tế. Chất lượng nội tại thị trường vẫn cải thiện sau thời gian tích lũy kéo dài từ đầu năm 2024 đến nay. Nhiều mã, nhóm mã đang ở vùng giá hợp lý, mở ra nhiều cơ hội tốt,” ông Nhật chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, VCBS đưa ra khuyến nghị các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân từng phần ở các mã cổ phiếu kiểm chứng hỗ trợ thành công hoặc đang ở nền tích lũy 1-2 tháng với dòng tiền tham gia ổn định và dần có tín hiệu bật tăng (thuộc một số nhóm ngành như thủy sản, bất động sản, ngân hàng…).

Các chuyên gia cũng đồng thuận rằng đây là giai đoạn tích lũy cần thiết trước khi thị trường đón nhận các động lực tăng trưởng mới, bao gồm kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý 4 và triển vọng năm 2025. Trên nền tảng đó, các nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng hợp lý, tập trung vào các cổ phiếu cơ bản tốt, có tiềm năng tăng trưởng bền vững, đặc biệt là các cổ phiếu đầu ngành./.