Thị trường châu Á khởi sắc trong phiên đầu tuần
Giá dầu và giá vàng tại thị trường châu Á đi lên, trong khi đó tiếp nối đà tăng của tuần trước sau khi Fed thực hiện cắt giảm mạnh lãi suất, hầu hết các thị trường chứng khoán cũng tăng điểm.
Trong phiên giao dịch chiều 23/9, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên, giữa những lo ngại xung đột leo thang ở Trung Đông có thể làm giảm nguồn cung trong khu vực.
Trong khi đó, hầu hết các thị trường châu Á đã tăng điểm, tiếp nối đà tăng của tuần trước sau khi Fed thực hiện cắt giảm mạnh lãi suất.
Giá dầu đi lên
Trong phiên giao dịch chiều 23/9, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên, giữa những lo ngại xung đột leo thang ở Trung Đông có thể làm giảm nguồn cung trong khu vực.
Bên cạnh đó, kỳ vọng việc Mỹ cắt giảm lãi suất trong tuần trước sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu cũng là nhân tố tạo lực đẩy cho giá “vàng đen."
Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng Mười Một tăng 22 xu Mỹ (0,3%) lên 74,71 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao cùng tháng cũng tăng 26 xu Mỹ (0,4%) lên 71,26 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng đều tăng trong phiên trước nhờ việc cắt giảm lãi suất của Mỹ và sự sụt giảm nguồn cung dầu sau cơn bão Francine.
Tuần trước, giá dầu đã tăng tuần thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế yếu hơn từ hai khách hàng lớn là Trung Quốc và Mỹ đã hạn chế sự gia tăng.
Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại công ty tài chính IG, cho rằng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đã gia tăng và đây là nhân tố hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng mức tăng giá có phần hạn chế hơn, phản ánh những hoài nghi về tác động thực sự lên nguồn cung dầu, khi xung đột ở Trung Đông đã kéo dài một thời gian mà không có nhiều sự gián đoạn.
Theo bà Priyanka Sachdeva, nhà phân tích tại công ty môi giới Phillip Nova, dù cả hai loại dầu đều tăng hơn 4% trong tuần trước nhờ quyết định cắt giảm lãi suất của Mỹ, triển vọng nhu cầu yếu tại Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu lớn nhất - đã kìm hãm đà tăng của giá mặt hàng này.
Bà Sachdeva cho rằng nhu cầu về nhiên liệu vẫn chưa rõ ràng và việc cắt giảm lãi suất tại Mỹ đã dấy lên lo ngại Fed có thể đã nhìn thấy thị trường lao động yếu.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, một mức giảm lớn hơn nhiều so với kỳ vọng. Các đợt cắt giảm lãi suất thường thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu năng lượng, nhưng các nhà phân tích và nhà đầu tư lo ngại rằng ngân hàng trung ương có thể nhìn thấy thị trường lao động chậm lại.
Chứng khoán châu Á xanh sàn
Trong phiên chiều 23/9, hầu hết các thị trường châu Á đã tăng điểm, tiếp nối đà tăng của tuần trước sau khi Fed thực hiện cắt giảm mạnh lãi suất.
Bên cạnh đó, tâm lý của thị trường cũng cải thiện nhờ kỳ vọng vào các biện pháp mới để khởi động lại nền kinh tế Trung Quốc.
Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tại Trung Quốc đạt 18,8% trong tháng Tám, mức cao nhất trong năm nay, khi nước này gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng, nhất là lĩnh vực bất động sản vẫn đang gặp khó khăn.
Quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) trong ngày 23/9 cũng đã tạo ra một số hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đặt hy vọng vào nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa.
Theo Moody's Analytics, khi thị trường bất động sản gặp khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, các hộ gia đình đang thận trọng hơn trong chi tiêu tiêu dùng.
Tổ chức này cũng nhận định các biện pháp của chính phủ nhằm kích thích nhu cầu trong nước vẫn chưa khuyến khích hộ gia đình chi tiêu.
Tại Trung Quốc, chốt phiên này, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 0,1% xuống 18.247,11 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 0,4% lên 2.748,92 điểm.
Cùng đà tăng, thị trường chứng khoán tại Seoul (Hàn Quốc), Singapore, Mumbai (Ấn Độ), Jakarta (Indonesia) và Manila (Phillippines) đều tăng điểm. Chứng khoán Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ phiên này.
Hiện tại, thị trường đang đổ dồn sự chú ý vào Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) dự kiến được công bố cuối tuần này. Thước đo lạm phát ưa thích của Fed có thể cho thấy các nhà hoạch định chính sách định hướng quyết định về động thái lãi suất tiếp theo ra sao.
Tại thị trường trong nước, chốt phiên 23/9, chỉ số VN-Index giảm 3,56 điểm (0,28%) xuống 1.268,48 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng lùi 0,92 điểm (0,39%) xuống 233,38 điểm.
Vàng lên giá
Trong phiên 23/9, giá vàng tại thị trường châu Á đi lên. Hiện các nhà giao dịch đang đánh giá triển vọng lãi suất trước khi có nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng, bao gồm Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp, dự kiến sẽ công bố trong tuần này.
Đầu giờ chiều tại Singapore, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.629,14 USD/ounce, sau khi tăng 1,7% trong tuần trước.
Giá vàng đã chạm mức cao kỷ lục khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu từ Mỹ để trả lời câu hỏi liệu việc cắt giảm lãi suất của Fed tuần trước có phải là bước đầu tiên trong chuỗi cắt giảm mạnh hay không.
Ông Christopher Waller, một Thống đốc của Fed, cho biết ông có khả năng ủng hộ việc cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại các cuộc họp tiếp theo của Fed vào tháng 11 và tháng 12 tới, nếu nền kinh tế diễn biến như ông dự đoán. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng một đợt cắt giảm 50 điểm cơ bản khác có thể xảy ra nếu thị trường lao động suy yếu.
Bên cạnh đó, giá vàng còn nhận được lực đẩy nhờ nhu cầu đối với tài sản an toàn tăng cao khi các nhà giao dịch theo dõi những căng thẳng leo thang ở Trung Đông, với lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Tại thị trường Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 80-82 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.