Thị trường châu Á biến động khi chờ quyết định của Fed
Các thị trường chứng khoán biến động trong khi giá vàng ổn định, còn giá dầu dù giảm trong phiên này nhưng lại đang hướng tới tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 9/2023.
Trong phiên 31/1, các thị trường chứng khoán biến động, khi các nhà đầu tư chờ quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau cuộc họp trong tuần này.
Trong khi đó, giá vàng ổn định, trên đà khép lại tháng 1/2024 là tháng giảm đầu tiên trong bốn tháng, còn giá dầu dù giảm trong phiên này lại đang hướng tới tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 9/2023.
Thị trường chứng khoán biến động trái chiều
Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trong phiên 31/1, khi các nhà giao dịch chờ kết quả cuộc họp của Fed trong hai ngày 30-31/1.
Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,6%, lên 36.286,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 1,48%, xuống 2.788,55 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,4%, xuống 15.485,07 điểm.
Khi các số liệu cho thấy lòng tin tiêu dùng tại Mỹ ở mức cao nhất trong hơn 2 năm trong tháng 1/2024 và kỳ vọng lạm phát giảm, các nhà giao dịch nhận định Fed sẽ không hạ lãi suất mạnh như dự kiến chỉ vài tuần trước.
Trong tháng trước, Fed dự kiến sẽ hạ lãi suất 3 lần trong năm nay, trong khi các thị trường cho rằng sẽ có đến 6 lần cắt giảm.
Phiên phát hành trái phiếu chính phủ quan trọng của Mỹ, báo cáo việc làm và báo cáo lợi nhuận của một số doanh nghiệp lớn nhất thế giới như Apple và Amazon cũng thu hút sự chú ý của các nhà giao dịch trong tuần này.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng của tập đoàn bất động sản Trung Quốc là Evergrande gây lo ngại về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đầu tư nước ngoài tại nước này.
Giá vàng trên đà giảm tháng đầu tiên trong bốn tháng
Giá vàng phiên này có thể khép lại tháng 1/2024 là tháng giảm đầu tiên trong bốn tháng, khi các nhà đầu tư giảm khả năng Fed sẽ hạ lãi suất nhanh và mạnh, do nền kinh tế vững, trong lúc chờ các phát biểu từ các quan chức Fed sau cuộc họp trong tuần này.
Giá vàng giao ngay ổn định ở mức 2.036,1 USD/ounce vào lúc 14 giờ 19 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi chạm mức cao nhất trong hai tuần là 2.048,12 USD/ounce trong phiên trước. Giá đã giảm 1,3% kể từ đầu tháng này.
Các nhà giao dịch nhận định Fed sẽ hạ lãi suất 130 điểm cơ bản trong năm 2024, giảm so với mức dự báo giảm hơn 160 điểm cơ bản đưa ra vào cuối năm 2023.
Khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 3/2024 đã giảm từ 90% vào một tháng trước xuống 44%.
Giá dầu giảm sau số liệu của Trung Quốc yếu
Giá dầu giảm trong phiên, khi hoạt động kinh tế của Trung Quốc yếu gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư, nhưng trên đà khép lại tháng 1/2024 là tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 9/2023, khi xung đột tại Trung Đông lan rộng gây lo ngại về nguồn cung.
Giá dầu Brent giao tháng 3/2024 (hết hạn vào ngày 31/1) giảm 31 xu Mỹ, hay 0,4%, xuống 82,56 USD/thùng vào lúc 14 giờ (theo giờ Việt Nam). Giá dầu giao tháng 4/2024 giảm 29 xu Mỹ, xuống 82,21 USD/thùng.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 25 xu Mỹ, hay 0,3%, xuống 77,57 USD/thùng.
Khảo sát chính thức cho thấy, hoạt động chế tạo tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 1/2024, cho thấy động lực của nền kinh tế yếu đi vào đầu năm nay.
Theo dự báo của một số nhà phân tích, tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2024 chủ yếu nhờ tiêu thụ tại Trung Quốc và dấu hiệu về sự chậm lại của nền kinh tế nước này sẽ làm thay đổi triển vọng nhu cầu.
Tuy nhiên, cả hai loại dầu đều trên đà tăng trong tháng đầu năm, khi xung đột Israel-Hamas lan rộng, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển khí đốt tự nhiên và dầu, và làm tăng chi phí./.