Thêm nhiều đối tượng được hưởng BHYT do ngân sách Nhà nước đóng
Nghị định 75/2023/NĐ-CP đã bổ sung đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP (ngày 19/10/2023) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế.
Theo đó, Nghị định 75/2023/NĐ-CP đã bổ sung thêm nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Cụ thể, Nghị định bổ sung đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
[Hơn 18,8 triệu học sinh, sinh viên cả nước tham gia bảo hiểm y tế]
Bổ sung đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2023.
Đây là các đối tượng người dân tộc thiểu số mới thoát nghèo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhưng trong thực tế vẫn còn đang rất khó khăn, được Đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân một số tỉnh và cử tri phản ánh kiến nghị. Việc quy định ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo để người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia bảo hiểm y tế thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ.
Về nâng mức hưởng bảo hiểm y tế, Nghị định 75/2023/NĐ-CP quy định nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP như thanh niên xung phong; cán bộ, chiến sĩ Công an đã được giải quyết hưởng chế độ theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Dân công hỏa tuyến.
Bổ sung mức hưởng cho nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số thoát nghèo theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và nhóm đối tượng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 03/12/2023. Một số quy định về bổ sung đối tượng, tăng mức hưởng được áp dụng từ ngày ban hành Nghị định 19/10/2023 để bảo đảm kịp thời quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Hiện nay, chính sách bảo hiểm y tế ở Việt Nam ngày càng phát triển, hoàn thiện, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia và thụ hưởng chính sách.
Sau khi Luật Bảo hiểm y tế được ban hành năm 2008, số người tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh qua các năm. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 57% (năm 2009) lên 74,7% (năm 2015 - năm đầu tiên Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có hiệu lực) và tính đến hết tháng 6/2023 đã đạt gần 92% với gần 91 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.
Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu đạt 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2025 theo Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân đề ra.
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả trên 100 nghìn tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có gần 83 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú với số tiền giám định, thanh toán trên 57 nghìn tỷ đồng./.