Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ vướng để triển khai Dự án Vành đai 3 đúng tiến độ
Việc bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn gặp một số vướng mắc và nguy cơ thiếu cát đắp nền khiến Dự án Vành đai 3 ở Thành phố Hồ Chí Minh khó triển khai đúng tiến độ.
Dự án Vành đai 3 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được khởi công giữa tháng 6/2023.
Việc bồi thường giải phóng mặt bằng sau thời gian đầu thuận lợi, hiện đang gặp một số khó khăn vướng mắc, khó hoàn thành 100% trong năm nay như kế hoạch.
Trên công trường, một số gói thầu đã thi công, tuy nhiên đang có nguy cơ thiếu vật liệu cho dự án.
Nguy cơ thiếu cát đắp nền
Với dự án thành phần 1 - Vành đai 3, chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt 8 gói thầu chính tại thành phố Thủ Đức (các gói XL2, XL3, XL4), huyện Củ Chi (gói XL6), Hóc Môn (gói XL7, XL8) và Bình Chánh (gói XL9, XL10). Hai gói thầu chính còn lại đang được các đơn vị thẩm định.
Dự án được khởi công giữa tháng 6/2023 tại 4 gói thầu chính XL3, XL6, XL8, XL9. Các nhà thầu đã tập kết nhân sự, thiết bị, vật tư phục vụ thi công. Hiện nay, nhà thầu đang triển khai thi công các hạng mục phụ trợ, đào bóc hữu cơ, đường công vụ và thi công kết cấu phần dưới hạng mục cầu, hầm như cọc khoan nhồi…
Báo cáo hồi đầu tháng 11/2023 của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận, tiến độ thi công trên công trường còn chậm, sản lượng thi công chưa nhiều. Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dânThành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo chủ đầu tư tập trung chỉ đạo nhà thầu thi công huy động tối đa nhân lực, máy móc thiết bị, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường.
Toàn dự án Vành đai 3 có nhu cầu khoảng 1,6 triệu m3 đất đắp nền; 7,2 triệu m3 cát đắp nền; 1,5 triệu m3 cát xây dựng; 4,4 triệu m3 đá xây dựng các loại. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò tổng thể đã thành lập Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án.
Theo báo cáo của Tổ công tác vật liệu, vật liệu đất đắp nền, đá xây dựng và cát xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu trữ lượng, chất lượng phục vụ thi công; riêng với nguồn cát đắp nền đang thiếu khoảng 20% khối lượng so với nhu cầu dự án.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Tổ công tác và các cơ quan liên quan khảo sát bổ sung, làm việc với các địa phương lân cận để điều phối, hỗ trợ khẩn trương đẩy nhanh các thủ tục gia hạn thời gian khai thác, nâng công suất mỏ.
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, hiện một số mỏ đang ngưng cung cấp hoặc chỉ cung cấp cho các dự án cao tốc trục dọc, trục ngang và các dự án của tỉnh. Khi các dự án cao tốc đồng loạt triển khai, đặc biệt giai đoạn cuối năm 2023 khi hoàn thành công tác đấu thầu 6 gói thầu xây lắp còn lại của dự án thành phần 1 - Vành đai 3, nguồn cung về vật liệu sẽ có nguy cơ thiếu hụt, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
Để giải quyết bài toán vật liệu, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo cấp thẩm quyền, chủ trì, làm việc với Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng trên địa bàn tỉnh phục vụ dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Đẩy nhanh thủ tục để giải phóng mặt bằng
Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tổng diện tích đất thu hồi thực hiện dự án Vành đai 3 là 410ha, số hộ bị ảnh hưởng 1.678 hộ.
Đến cuối tháng 10/2023, các địa phương đã chi trả cho 1.191, đạt 70,98%, phần lớn là đất nông nghiệp. Mặt bằng đã bàn giao được 387/410 ha (đạt hơn 94%).
Việc giải phóng mặt bằng được dự kiến hoàn thành trước 31/12 năm nay, nhưng đang gặp một số khó khăn. Theo Sở Giao thông Vận tải, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần 2 đã chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch của Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt đầu năm 2023. Số trường hợp còn lại chiếm 29,8% nhưng phải thực hiện trong khoảng thời gian ngắn là rất khó khăn.
"Thời gian còn lại chỉ 2 tháng, nếu Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Bình Chánh không tập trung chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc thì khó đảm bảo tiến độ bàn giao 100% mặt bằng cho dự án theo kế hoạch," đại diện Sở Giao thông Vận tải đánh giá.
Hiện nay, các địa phương đang gặp phương mắc về bố trí tái định cư, thủ tục cho người dân. Tại thành phố Thủ Đức, khu tái định cư Long Bửu (giai đoạn 2) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chung cư C8 Man Thiện cũng chưa hoàn thành công tác sửa chữa.
Trong khi đó, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng cho người dân các khu tái định tại Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh cũng chưa được thực hiện. Việc chi trả tiền bồi thường cây trồng tại Bình Chánh chưa xong, dẫn đến các hộ chưa bàn giao tài sản, phát quang mặt bằng… Điều này khiến công tác giải phóng mặt bằng cũng như thi công các gói thầu dự án bị chậm lại.
Thành phố Thủ Đức có 587 trường hợp bị ảnh hưởng, đến nay địa phương đã tổ chức chi trả tiền cho 412 trường hợp; đã bàn giao mặt bằng 89ha, chiếm 89,19%. So với các địa phương khác, tiến độ bàn giao mặt bằng ở thành phố Thủ Đức có phần chậm hơn (Hóc Môn đạt 100%; Củ Chi hơn 98%; Bình Chánh hơn 95%).
Theo ông Võ Trí Dũng, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức, nguyên nhân là do địa phương có số lượng hồ sơ lớn, với diện tích thu hồi gần 100ha.
Dự án cũng đi qua các tuyến đường lớn của Thủ Đức nên việc một số hộ không đồng ý giá, có so sánh giá với các địa phương khác (như Bình Dương) là không thể tránh khỏi. Điều này dẫn đến việc vận động chấp hành giao mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, đặc thù của tuyến Vành đai 3 đi qua Thủ Đức có 2/3 số lượng hồ sơ là nhà ở, đất ở khiến việc thu thập pháp lý, xác minh, xác nhận nguồn gốc mất nhiều thời gian hơn so với hồ sơ đất nông nghiệp.
Phần lớn các hộ nhận chuyển nhượng bằng giấy tay, chuyển mục đích thành đất phi nông nghiệp sau thời điểm quy định của pháp luật, không đồng ý bồi thường theo đơn giá đất nông nghiệp, khó khăn trong công tác vận động.
Theo ông Võ Trí Dũng, giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được địa phươngthực hiện theo đúng trình tự quy định; đồng thời giá bồi thường tương đối sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường và đã được cân đối với các dự án đang triển khai trên địa bàn.
Hiện thành phố Thủ Đức đã thành lập 6 tổ công tác để nắm bắt tình hình, vận động, giải thích, nắm bắt từng trường hợp cụ thể, từng hồ sơ cụ thể để giải quyết hoặc đề xuất cơ quan chức năng xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Dự án Vành đai 3 có tổng chiều dài 76,3km đi qua Thành phố Hồ Chí Minh (47,35km), Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km). Dự án được phân chia làm 8 dự án thành phần, gồm 4 dự án thành phần xây dựng, 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố./.