Thành phố Hồ Chí Minh: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất 3 năm gần đây
Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP Hồ Chí Minh đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh quý 2 khởi sắc hơn quý 1.
Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6 ước tính tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Trong đó ngành khai khoáng tăng 42,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,8%.
Đối với ngành công nghiệp cấp 2, có 17/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có mức tăng cao như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,1%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hóa chất tăng 21,1%; sản xuất giường tủ, bàn, ghế tăng 14,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 14,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 13,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 11,7%.
Mặc dù vậy, chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,0% so với cùng kỳ, thấp hơn 0,6 điểm % so với IIP toàn ngành công nghiệp, bao gồm ngành hóa dược; chế biến lương thực, thực phẩm; cơ khí; sản xuất hàng điện tử. Trong khi đó, chỉ số sản xuất 3 ngành công nghiệp truyền thống giảm 2,3% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang có sự phục hồi nhưng chưa bền vững.
Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh quý 2 so với quý 1 đã có tín hiệu khởi sắc.
Cụ thể, 37% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên; 36,6% giữ ổn định và 26,4% khó khăn hơn. Trong đó, 80% doanh nghiệp nhà nước cho rằng hoạt động quý 2 so với quý 1 tốt lên và giữ ổn định; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước lần lượt là 73,6% và 72,7%.
Dự báo tình hình quý 3, có 37% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 2 sẽ tốt hơn; 41,2% giữ ổn định và 21,8% khó khăn hơn. Trong đó, có 82,5% doanh nghiệp nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình kinh doanh trong quý 3, tỷ lệ này ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước tương ứng là 79,4% và 76,9%.
Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%. Riêng ngành khai khoáng giảm 7,22%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 giảm 4,3% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023./.