Thành phố Hồ Chí Minh cần lộ trình chuyển đổi phát triển xanh
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh Thành phố Hồ Chí Minh phải nhanh chóng đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về động lực tăng trưởng mới từ thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Với vai trò của một đô thị đặc biệt và là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của cả nước, việc Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm đi đầu trong quá trình chuyển đổi xanh được nhận định sẽ tạo xu hướng dịch chuyển kinh tế tích cực cho Việt Nam, góp phần hỗ trợ nhanh tiến trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này không phải là đơn giản, có nhiều bài toán, thách thức mà Thành phố Hồ Chí Minh phải ưu tiên giải quyết trong thời gian tới.
Xây dựng lộ trình cụ thể
Tại Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 tổ chức ngày 15/9, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng việc triển khai phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh không thể làm theo phong trào mà cần bài bản, chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm. Thành phố Hồ Chí Minh phải nhanh chóng đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về động lực tăng trưởng mới từ thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Theo ông Hiển, hiện nay, đây là vấn đề còn mới, đòi hỏi phải đồng bộ từ các vấn đề liên quan quy hoạch, lựa chọn chuyển dịch nội các ngành, bố trí nguồn lực, xây dựng ý thức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; các biện pháp tuyên truyền phải xoay quanh định hướng dài hạn, quyết định thúc đẩy phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đi đầu trong tăng trưởng xanh.
"Trong khung chiến lược về tăng trưởng xanh, thành phố cần tiên phong trong phát triển một số ngành công nghiệp như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sinh học, công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, cần có lộ trình và các cơ chế, chính sách cụ thể để chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp của thành phố sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp," ông Hiển đề xuất.
[Anh sẽ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với TP.HCM về Phát triển Xanh]
Mặt khác, đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng thành phố cần tiếp tục triển khai xây dựng đề án trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế; đi đầu trong phát triển, thử nghiệm các sản phẩm mới, sản phẩm xanh và là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo của khu vực; trong đó, các trung tâm đổi mới, sáng tạo phải lấy nòng cốt từ các khu công nghệ cao, phát huy các trường đại học như Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh...
Đại diện Bộ Ngoại giao, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng tầm nhìn trở thành trung tâm dịch vụ, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế xanh. Theo đó, phát huy tối đa lợi thế về khung thể chế đã khá hoàn thiện để cụ thể hóa thành các chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện đặc thù ở địa bàn; trong đó cần lưu ý tính kết nối vùng, bảo đảm tính đồng bộ với các quy định, tiêu chuẩn mới trên thế giới để bắt kịp và tận dụng được các xu hướng của thời đại.
"Với mục tiêu trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế, thành phố đang có điều kiện rất thuận lợi để trở thành "cực thu hút" các nguồn tài chính xanh đang có xu hướng gia tăng hiện nay. Trung tâm Tài chính của Thành phố Hồ Chí Minh phải là trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới, với tài chính khí hậu, tài chính xanh, tài chính công nghệ đóng vai trò trung tâm.
Thành phố cần sớm ban hành chính sách hoặc cho thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với một số công cụ tài chính mới như: phát hành trái phiếu xanh, xây dựng sàn giao dịch carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới kết nối với các nước ASEAN để trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon của khu vực với tầm nhìn toàn cầu," ông Vũ nói.
Dưới góc độ Chuyên gia kinh tế cũng như là người đồng hành với Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua, Tiến sỹ Trần Du Lịch khuyến nghị thành phố nên tận dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình chuyển đổi xanh.
Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh có thể xây dựng khung chiến lược tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió ngoài khơi như Cần Giờ để giảm lượng khí thải carbon (CO2) ra ngoài môi trường (hiện chiếm 23% tỷ trọng trên cả nước). Đồng thời, giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất theo đơn vị sản phẩm; tiết kiệm điện…
"Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang chuyển đổi chức năng, công năng của một số khu công nghiệp, khu chế xuất, do đó thành phố cần tận dụng Nghị quyết 98 để hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng năng lượng thân thiện môi trường và giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất," Tiến sỹ Lịch đề xuất. Ngoài ra, thành phố nên vận động người dân đi xe đạp tới giảm lượng khí thải từ phương tiện xe máy cá nhân. Giảm sử dụng nhựa và đổi sang các nguyên liệu từ thiên nhiên thân thiện với môi trường.
Thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân
Trong các tham luận của diễn giả, chuyên gia tham dự tại Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 2023 đều nhấn mạnh vai trò của người dân, doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh. Đây là động lực và cũng là nguồn lực quan trọng quyết định đến sự thành công trong tiến trình thực hiện tăng trưởng xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng như ở Việt Nam nói chung.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Thành phố Hồ Chí Minh nên kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước có những đề xuất sáng kiến cho hoạt động chuyển đổi xanh, để lan tỏa các mô hình triển khai thành công theo phương châm Nhà nước kiến tạo thể chế và dẫn dắt, doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm.
Đề xuất một số nội dung liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng doanh nghiệp cần tham gia với vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam cũng đang trong quá trình thiết lập thị trường carbon trong nước. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp dẫn đầu về khoa học và công nghệ trong giảm phát thải khí nhà kính có thể mua bán, trao đổi tín chỉ carbon từ các hoạt động chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
"Việc phát huy thành tựu của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực trung tâm trong phát triển kinh tế. Đây là lời giải cho bài toán vừa tăng trưởng nhanh về kinh tế, vừa bền vững về môi trường, không hy sinh môi trường và công bằng xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng hành cùng với Chính phủ, thiết lập và tận dụng các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế," ông Thành khuyến nghị.
Mặt khác, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng doanh nghiệp có nhiều điều kiện để tiếp cận việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 một cách đa mục tiêu. Doanh nghiệp không chỉ giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn thay đổi quá trình quản lý, cắt giảm phát thải trong các hoạt động nội bộ và trong chuỗi cung ứng, đồng thời có các hoạt động trao đổi, bù trừ phát thải khí nhà kính trong ngắn hạn.
Doanh nghiệp sẽ xây dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng, đối tác thông qua các báo cáo, số liệu và tính minh bạch trong việc đạt được mục tiêu này. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần đổi mới hoạt động quản trị doanh nghiệp và mô hình báo cáo, nhằm cân đối các quyết định và xây dựng lòng tin với các bên liên quan.
Thực tế, khu vực tư nhân đang đóng vai trò quan trọng trong qua trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam thời gian qua. Theo ông Don Lam, Tổng giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital, khu vực tư nhân đang đẩy mạnh và đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện sự chuyển đổi xanh, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.
Chẳng hạn, tại VinaCapital, công ty này đang hợp tác để xây dựng nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) Long An cùng với Tập đoàn GS Energy của Hàn Quốc, mục tiêu cung cấp điện cho toàn bộ khu vực miền Nam. Trước đó, nhà máy điện này được lên kế hoạch là nhà máy điện than. Ngoài ra, Tập đoàn này cũng đầu tư đáng kể vào lĩnh vực năng lượng mặt trời; đồng thời đang xem xét các giải pháp khác, như chuyển đổi rác thải thành năng lượng trong trung hạn và hydro trong dài hạn.
"Sự phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi xanh không chỉ dừng lại ở năng lượng. Mọi lĩnh vực của kinh tế đều sẽ được chuyển đổi theo cách này hay cách khác, dù ít hay nhiều. Và không có lý do gì để các doanh nghiệp Việt Nam không đi đầu trong việc áp dụng các thực tiễn kinh tế tuần hoàn," ông Don Lam nhận định.
Dù đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để phát huy nguồn lực tư nhân trong quá trình chuyển đổi xanh, đòi hỏi phải có lộ trình, khung pháp lý phù hợp hơn cho thời gian tới.
Bà Melissa MacEwen, Giám đốc Công ty tư vấn PwC New Zealand, phụ trách ESG và Kinh tế tuần hoàn khu vực châu Á Thái Bình Dương cho rằng, hiện chưa có định nghĩa cụ thể về kinh tế tuần hoàn. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá doanh nghiệp có tuân thủ, có thực hiện kinh tế tuần hoàn hay không. Do đó, cần có sự tham gia của cơ quan lập pháp trong việc xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và doanh nghiệp phải có tiếng nói trong đó để phù hợp với tình hình phát triển thực tế…/.