Thành lập thị xã Việt Yên ở Bắc Giang và thị trấn Hậu Hiền ở Thanh Hóa
Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định ngày nghị quyết thành lập thị xã Việt Yên và thị trấn Hậu Hiền có hiệu lực thi hành là 1/2/2024 để các cơ quan, địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 28, sáng 13/12, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; về việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết tỉnh Bắc Giang đề nghị thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Việt Yên; đồng thời thành lập 9 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 thị trấn (Bích Động, Nếnh) và 7 xã (Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn) thuộc huyện Việt Yên.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh huyện Việt Yên nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang, có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua, thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế-xã hội. Trong các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, huyện Việt Yên đã được quy hoạch thành thị xã Việt Yên trong giai đoạn 2021-2030.
Tỉnh Bắc Giang và huyện Việt Yên đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, diện mạo đô thị của huyện Việt Yên ngày càng được đầu tư nâng cấp. Kết quả, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 1286/QĐ-BXD ngày 29/11/2021 công nhận huyện Việt Yên đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV và Quyết định số 956/QĐ-BXD ngày 11/9/2023 công nhận khu vực dự kiến thành lập các phường thuộc thị xã Việt Yên đạt tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị loại IV.
Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa của huyện Việt Yên nêu trên, việc thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Việt Yên, thành lập 9 phường thuộc thị xã Việt Yên trên cơ sở 2 thị trấn và 7 xã thuộc huyện Việt Yên là cần thiết.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, tỉnh Thanh Hóa đề nghị nhập toàn bộ 6,53km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 9.175 người của xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa; thành lập thị trấn Hậu Hiền trên cơ sở nguyên trạng 10,41km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 12.061 người của xã Minh Tâm (đổi tên Minh Tâm thành Hậu Hiền).
Thị trấn Thiệu Hóa là trung tâm huyện lỵ của huyện Thiệu Hóa; nằm giữa 4 vùng kinh tế động lực của tỉnh đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Thiệu Hóa (gồm thị trấn Thiệu Hóa và xã Thiệu Phú). Thị trấn Thiệu Hóa và khu vực dự kiến mở rộng (xã Thiệu Phú) đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đánh giá đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.
Xã Minh Tâm nằm ở phía Tây Nam huyện Thiệu Hóa; có tỉnh lộ 515 đi qua, có sông Chu chảy qua đã được quy hoạch cảng hàng hóa thủy nội địa, có chợ Hậu Hiền là nơi giao thương lớn của huyện Thiệu Hóa với các huyện trong vùng. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị Hậu Hiền với phạm vi quy hoạch gồm xã Minh Tâm và khu vực lân cận, đồng thời đã đánh giá công nhận xã Minh Tâm đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.
Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế nêu trên, việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền là cần thiết, đáp ứng yêu cầu về mở rộng không gian phát triển đô thị và yêu cầu quản lý kinh tế, quản lý xây dựng, kiến trúc, quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Phú, xã Minh Tâm nói riêng và huyện Thiệu Hóa nói chung.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết Ủy ban tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa với các lý do như đã thể hiện tại Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Hồ sơ các Đề án đã bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức Chính quyền Địa phương và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định ngày có hiệu lực thi hành của các nghị quyết là ngày 1/2/2024 để các cơ quan, tổ chức và địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập.
Tại phiên họp, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội và Bộ Nội vụ rà soát Thông báo gửi Chính phủ, các cơ quan liên quan khẩn trương phối hợp thực hiện đúng quy định theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ trong việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 đảm bảo những vấn đề như yêu cầu đặt ra, trong đó có vấn đề nổi cộm là quy hoạch và việc thành lập đô thị không được nợ tiêu chí./.