Thái Lan vận dụng 'sức mạnh mềm' để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Thái Lan sẽ đào tạo kỹ năng mới cho người dân với mục tiêu sau khi được đào tạo, mỗi người tham gia có thể giúp gia đình tăng thu nhập lên tối thiểu 200.000 baht/người/năm.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Chính phủ Thái Lan mới đây đã công bố chính sách vận dụng “sức mạnh mềm” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với mục tiêu tạo ra doanh thu hằng năm khoảng 4.000 tỷ baht (gần 113 triệu USD) trong 4 năm tới.
Một số nội dung chính của chính sách này bao gồm thành lập Cơ quan Nội dung sáng tạo Thái Lan (THACCA); triển khai sáng kiến “Mỗi gia đình một sức mạnh mềm” (OFOS); thúc đẩy phát triển 11 ngành công nghiệp sáng tạo như ẩm thực, thể thao, lễ hội, du lịch, âm nhạc, sách, phim ảnh, trò chơi, nghệ thuật, thiết kế và thời trang; thúc đẩy “sức mạnh mềm” của Thái Lan trên toàn cầu trong các lĩnh vực phù hợp.
[Thái Lan kỳ vọng trở thành nước thu nhập cao vào năm 2027]
Sáng kiến OFOS liên quan đến việc đào tạo kỹ năng mới cho người dân với mục tiêu sau khi được đào tạo, mỗi người tham gia có thể giúp gia đình tăng thu nhập lên tối thiểu 200.000 baht/người/năm.
Ngoài ra, các nỗ lực sẽ được thực hiện để tăng cường “sức mạnh mềm” trong các ngành công nghiệp sáng tạo.
Bộ Văn hóa Thái Lan sẽ nỗ lực tạo ra giá trị kinh tế ở những lĩnh vực này, với mục tiêu doanh thu từ 300 đến 400 triệu baht từ mỗi sự kiện kéo dài 3 ngày.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa Thái Lan, phối hợp với Viện Quản trị Kinh doanh Sasin của Đại học Chulalongkorn, sẽ thiết lập các chỉ số thống kê văn hóa để đánh giá tác động của các hoạt động văn hóa đối với nền kinh tế Thái Lan.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thái Lan sẽ chịu trách nhiệm thực hiện tổng thể việc thúc đẩy và quảng bá “sức mạnh mềm” của Thái Lan trên phạm vi toàn cầu thông qua nỗ lực của các nhà ngoại giao và tùy viên thương mại Thái Lan ở nhiều nước trên thế giới.
Chính phủ Thái Lan kỳ vọng cách tiếp cận toàn diện kể trên sẽ làm nổi bật “sức mạnh mềm” của Thái Lan và nâng cao ý nghĩa kinh tế cũng như văn hóa của nước này trên toàn cầu./.