Thái Lan ủng hộ quá trình toàn diện để hoàn thành Hiệp ước vì Tương lai

Ngoại trưởng Thái Lan khẳng định ủng hộ một quá trình toàn diện để hoàn thành Hiệp ước vì Tương lai để có thể mang lại những kết quả cụ thể vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa đã nêu bật triết lý kinh tế vừa đủ và chống tội phạm xuyên quốc gia như một cách tiến tới phát triển bền vững tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên hợp quốc.

Được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York ngày 23/9, Hội nghị Thượng đỉnh đã thông qua Hiệp ước vì Tương lai, ngoài ra còn có phụ lục là Tuyên bố về các Thế hệ Tương lai và Hiệp ước Số Toàn cầu.

Tại hội nghị, ông Maris đã phát biểu về chủ đề “Các giải pháp đa phương cho Ngày mai tươi sáng hơn,” phản ánh quan điểm về việc xây dựng một tương lai chung cho thế giới.

Ông nhấn mạnh các vấn đề quan trọng đối với Thái Lan như triết lý kinh tế vừa đủ như một con đường tiến tới phát triển bền vững, cuộc chiến chống ma túy bất hợp pháp, tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm mạng, và cải cách Liên hợp quốc, bao gồm Hội đồng Bảo an, để phản ánh một cấu trúc toàn cầu có tính đến lợi ích của các nước đang phát triển, cũng như trao quyền cho thanh niên để định hình tương lai mà họ mong muốn.

Ngoại trưởng Thái Lan khẳng định ủng hộ một quá trình toàn diện để hoàn thành Hiệp ước vì Tương lai để có thể mang lại những kết quả cụ thể vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Ông cho biết Thái Lan đã đóng góp ý kiến cho hiệp ước với hy vọng rằng hiệp ước có thể giải quyết hiệu quả các thách thức toàn cầu, cũng như coi trọng sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đồng thời cho biết thêm rằng Vương quốc Thái Lan đã tổ chức các hoạt động để nâng cao nhận thức của công chúng về Liên hợp quốc và Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai vào đầu năm nay.

Mục tiêu chính của Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai là đẩy nhanh các hành động của tất cả các bên liên quan hướng tới việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc vào năm 2030 và định hình phương hướng hoạt động của Liên hợp quốc và tăng cường khả năng đáp ứng các thách thức của hôm nay và mai sau.

Hội nghị cũng tái khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc là cốt lõi và duy trì vai trò và sự liên quan của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này trong việc đáp ứng nhu cầu của các quốc gia thành viên./.