Tay vợt Nguyễn Thùy Linh: 'Ngôi sao cô đơn' trên đỉnh Cầu lông Việt Nam
Sau thành công ở Giải Cầu lông Đức mở rộng 2024, tay vợt Nữ số một Việt Nam Nguyễn Thùy Linh sẽ tiếp tục hướng đến những giải đấu quốc tế khác với mục tiêu lọt vào nhóm hạt giống tại Olympic.
Hành trình của Tay vợt Cầu lông Nữ số một Việt Nam, Nguyễn Thùy Linh tại Giải Cầu lông Đức mở rộng 2024 đã khép lại với vị trí Á quân. 5.950 điểm từ giải đấu này cũng giúp vận động viên sinh năm 1997 tích lũy thêm điểm số để tiến gần đến mục tiêu lọt vào nhóm hạt giống tại Thế Vận hội mùa Hè Olympic Paris 2024.
Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus thực hiện cuộc phỏng vấn Vận động viên Nguyễn Thùy Linh về những thăng trầm trong sự nghiệp cũng như mục tiêu trong năm 2024 của tay vợt Nữ số một Việt Nam.
Xin chúc mừng Nguyễn Thùy Linh với ngôi Á quân tại Giải Cầu lông Đức mở rộng 2024. Thùy Linh có thể chia sẻ cảm xúc sau lần đầu tiên góp mặt ở chung kết một giải đấu trong hệ thống World Tour Super 300 của Liên đoàn Cầu lông thế giới không?
Vận động viên Nguyễn Thùy Linh: Tôi cảm thấy rất vui với kết quả này, bởi đây là thành tích cao hơn sự mong đợi của tôi từ trước khi tham dự giải Đức mở rộng. Qua giải đấu, cá nhân tôi cũng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thi đấu với các vận động viên đến từ châu Âu - những tay vợt mà từ trước đến nay tôi ít có dịp cọ xát.
Qua những trận đấu với các hạt giống hàng đầu tại Giải Cầu lông Đức mở rộng 2024, Thùy Linh đánh giá thế nào về sự khác biệt giữa các tay vợt châu Á và các tay vợt đến từ những quốc gia khác?
Vận động viên Nguyễn Thùy Linh: Cá nhân tôi cho rằng các vận động viên châu Á nói chung có tư duy và nền tảng kỹ thuật tương đối ổn định. Tuy nhiên, mặt hạn chế của những tay vợt châu Á là thể lực và thể trạng, trong khi phần lớn các tay vợt châu Âu đều sở hữu lợi thế về thể hình.
Vị trí Á quân tại Giải Cầu lông Đức mở rộng 2024 giúp Thùy Linh tích lũy thêm 5.950 điểm, qua đó cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng thế giới (hạng 22). Tính đến thời điểm hiện tại, đâu là trận đấu đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Thùy Linh?
Vận động viên Nguyễn Thùy Linh: Trong quá khứ, tôi đã trải qua những trận đấu với các tay vợt hàng đầu thế giới như Carolina Marin (Tây Ban Nha, hạng 5 Thế giới), Zhang Beiwen (Mỹ, hạng 10 Thế giới), Michelle Li (Canada, hạng 24 Thế giới)... Hành trình tại Giải Cầu lông Đức mở rộng lần này cũng là một kỷ niệm đặc biệt khi tôi lần lượt vượt qua Ratchanok Intanon (Thái Lan, hạng 14 Thế giới) hay Kim Ga Eun (Hàn Quốc, hạng 12 Thế giới). Đây đều là những tay vợt trong top 10, top 20 thế giới và với tôi, tất cả đều là những kỷ niệm đáng nhớ.
Trải qua hàng loạt giải đấu quốc tế với những chuyến du đấu một mình, câu chuyện về "Ngôi sao cô đơn" Nguyễn Thùy Linh đã trở thành chủ đề nóng trên các kênh thông tin tại Việt Nam. Thùy Linh có nghĩ đây là một bất lợi của mình?
Vận động viên Nguyễn Thùy Linh: Ban đầu, tôi không để tâm quá nhiều đến vấn đề này. Thời gian sau, khi mạng xã hội và các kênh thông tin đưa tin nhiều thì tinh thần của tôi có bị ảnh hưởng đôi chút. Tuy nhiên, tôi nhận thức được rằng những gì mà mình đang được nhận là những điều kiện tốt nhất mà đất nước dành cho tôi, do đó tôi chỉ tập trung vào những vấn đề mà mình có thể kiểm soát được. Tôi học cách đón nhận những điều tích cực và hiểu rằng: việc đi thi đấu một mình là một phần trong của sự nghiệp của tôi.
Thực tế là trước trường hợp của tôi, cũng từng có một tay vợt người Mỹ gốc Hoa là Zhang Beiwen thường xuyên đi du đấu một mình. Tôi nghĩ đó là người đi tiên phong trong xu hướng vận động viên tự chủ khi thi đấu quốc tế.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng tốt hơn hết là các vận động viên nên có huấn luyện viên hướng dẫn - đặc biệt là những huấn luyện viên có chuyên môn giỏi. Điều này sẽ giúp cho hành trình tìm kiếm thành tích của các vận động viên thuận lợi hơn nhiều.
Thường xuyên du đấu với một lịch trình dày đặc, Thùy Linh có những phương pháp nào để giải tỏa áp lực?
Vận động viên Nguyễn Thùy Linh: Mỗi ngày, tôi đều gọi điện để nói chuyện với gia đình 2-3 lần. Đây là thói quen của tôi từ khi còn nhỏ và vẫn duy trì đến tận thời điểm tôi phải du đấu thường xuyên như hiện tại. Tôi cảm thấy may mắn khi gia đình luôn là hậu phương vững chắc cho sự nghiệp của mình.
Để đối mặt với những áp lực trong cuộc sống, tôi học cách cân bằng cảm xúc của bản thân, có thể qua việc tập thiền hoặc đọc sách... Đặc biệt, tôi cố gắng hạn chế tối đa những khoảng trống khiến mình phải suy nghĩ nhiều, tránh để tinh thần bị ảnh hưởng. Nghe nhạc, đi mua sắm hoặc xem phim... có thể là những lựa chọn của tôi mỗi khi bị stress, để tôi ngưng tập trung vào những điều tiêu cực. Sau khi tinh thần đã ổn định trở lại, tôi sẽ nghĩ đến giải pháp để vượt qua những khó khăn hiện tại.
Hướng đến Thế Vận hội mùa Hè Olympic Paris cũng như những giải đấu quốc tế khác trong năm 2024, Thùy Linh lên kế hoạch chuẩn bị như thế nào?
Vận động viên Nguyễn Thùy Linh: Hiện tại, tôi đang tập trung hết khả năng cho mục tiêu Olympic với hy vọng có thể lọt vào top 14 tay vợt đứng đầu bảng xếp hạng Vòng loại để được xếp vào nhóm hạt giống - dù đây là một điều cũng rất khó khăn (Thùy Linh đang xếp thứ 15 với 48.100 điểm - kém vị trí thứ 14 của Yeo Ja Min (Singapore) khoảng cách là 4.816 điểm).
Bản thân tôi cố gắng không tính toán quá nhiều hay đặt các giả thiết về khả năng chiến thắng hoặc lọt top... mà sẽ chỉ tập trung thi đấu hết khả năng ở từng trận đấu, từng giải đấu tiếp theo - điều tốt nhất tôi có thể làm ở thời điểm này.
- Xin cảm ơn Nguyễn Thùy Linh về những chia sẻ thú vị! Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, xin được tri ân những nỗ lực và đóng góp của Thùy Linh cho nền thể thao nước nhà và chúc Thùy Linh sẽ gặt hái thêm nhiều thành công rực rỡ trong năm 2024!