Tây Ninh: Chính sách đối ngoại toàn diện, hiện đại để phát triển kinh tế-xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ, bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhà máy sản xuất lốp ôtô của Công ty TNHH Sailun Việt Nam, Khu công nghiệp Phước Đông, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đặc thù là tỉnh biên giới, Tây Ninh đã kết hợp hiệu quả giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong 8 tháng năm nay, tỉnh Tây Ninh đã thu hút đầu tư nước ngoài cấp mới được 22 dự án, với số vốn thu hút hơn 115 triệu USD; 16 lượt điều chỉnh tăng vốn với mức vốn tăng 143 triệu USD.

Giữ vững an ninh biên giới

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, các đơn vị lực lượng Vũ trang của tỉnh đã chủ động chủ trì, phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng vũ trang của tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, giúp đỡ hỗ trợ, làm tốt công tác thông tin đối ngoại giúp nhân dân 2 bên hiểu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước góp phần chống lại luận điệu xuyên tạc, sai trái, qua đó tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự khu vực biên giới luôn ổn định.

Cùng với đó, công tác phối hợp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu được thực hiện hiệu quả. Các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần hạn chế buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Lực lượng hai bên biên giới có mối quan hệ đoàn kết tốt, thường xuyên trao đổi thông tin về hàng hóa xuất, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh.

Thượng úy Dương Thành Huy, Trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, cho biết Bộ đội Biên phòng tỉnh có mối quan hệ tốt đẹp với các lực lượng chức năng của Vương quốc Campuchia. Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, hội đàm phối hợp giải quyết tốt các vấn đề xảy ra trên biên giới theo quy chế phối hợp đã ký kết. Đây là điều kiện thuận lợi cho công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm trên biên giới nhất là tội phạm về ma túy.

Qua thông tin trao đổi, nắm tình hình, thời gian vừa qua, đơn vị đã chủ trì đấu tranh thành công nhiều chuyên án vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ gần 2.297g Ketamine; bắt 12 vụ/12 đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ trên 2.811g ma túy các loại.

Bộ đội Biên Phòng Việt Nam và Lực lượng Hiến binh, Lục quân Campuchia tại Cột mốc 171 Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài-Bavet. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Hồng thông tin thời gian qua, công tác đối ngoại đã được chú trọng trên cả ba trụ cột, đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Hằng năm, nhiều cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh Tây Ninh với lãnh đạo các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia được tổ chức đã tạo được sự gắn kết hữu nghị, truyền thống lâu dài.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chủ động triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác, giao lưu hữu nghị với Ban hành chính 4 tỉnh Svay Rieng, Prey Veng, Tboung Khmum, Kampong Cham thuộc Campuchia và hai thành phố Gimhae, Chungju của Hàn Quốc.

Ủy ban Nhân dân thường xuyên tổ chức thăm hỏi, khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho dân nghèo và hỗ trợ các tỉnh giáp biên phòng, chống COVID-19; phối hợp trao đổi thông tin, giải quyết ổn định các vụ việc nổi lên và phòng, chống tội phạm qua biên giới.

Nâng cao hiệu quả ngoại giao kinh tế

Cũng theo Ủy ban Nhân dân tỉnh, hoạt động ngoại giao kinh tế đã đem lại nhiều kết quả tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Tây Ninh hơn.

Lãnh đạo tỉnh cũng quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội nghị hợp tác phát triển thương mại Việt Nam với các nước, hội chợ thương mại quốc tế; tổ chức các hội thảo giới thiệu xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; thường xuyên tiếp xúc, trao đổi thông tin với các tổ chức nước ngoài…

Nhờ đó, tỉnh đã thu hút nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài cao. Các dự án đầu tư trong và ngoài nước góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đây là nguồn lực quan trọng, thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh tăng trưởng cao thời gian qua.

Ngoài ra, để phát triển thương mại biên giới, tỉnh Tây Ninh đã thực hiện nâng cấp một cửa khẩu quốc tế, nâng tổng số hiện nay là 3 cửa khẩu quốc tế và 3 cửa khẩu chính, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế vùng biên, nâng cao đời sống của cư dân khu vực biên giới.

Tây Ninh có điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi, đặc biệt khu vực quanh chân núi Bà Đen phù hợp tốt với môi trường sinh thái của cây na. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Công tác vận động viện trợ phi Chính phủ nước ngoài đạt nhiều kết quả khả quan. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã vận động được trên 16 tổ chức đăng ký hoạt động với tổng giá trị cam kết toàn dự án 2,3 triệu USD, tập trung triển khai trong các lĩnh vực y tế; giáo dục và đào tạo; giải quyết các vấn đề xã hội… đã góp phần tích cực, hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội.

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 7.000 người địa phương định cư, sinh sống ở nước ngoài, tập trung nhiều ở các nước Mỹ, Australia, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc… Hằng năm, có hơn 3.000 lượt người Tây Ninh định cư ở nước ngoài về thăm quê hương, đầu tư, kinh doanh và tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội.

Số lượng kiều hối do kiều bào chuyển về tỉnh Tây Ninh năm 2023 là 2.613 triệu USD; 6 tháng đầu năm 2024 là 2.571 triệu USD.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết đến nay tỉnh thu hút được 372 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng kí 9,2 tỷ USD, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu hút đầu tư cao nhất cả nước. Địa bàn tỉnh đã có 6 khu công nghiệp đi vào hoạt động với trên 3 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy hiện nay trên 80% với lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài.

Tây Ninh có đường biên giới dài góp phần rất lớn vào thúc đẩy kinh tế biên mậu, phát triển kinh tế cửa khẩu, đồng thời cũng là thách thức về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tỉnh xác định phát triển kinh tế đi đôi với quốc phòng an ninh, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường trong từng định hướng phát triển chiến lược, các dự án phát triển kinh tế. Giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội được tỉnh đưa ra là xác định đúng, trúng các đột phá chiến lược. Trong đó, tỉnh chú trọng đột phá về hạ tầng giao thông; về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; về du lịch; về cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ, bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh, tăng cao tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong GRDP.

Tây Ninh chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, quản lý Nhà nước, xây dựng văn hóa công sở, chống nhũng nhiễu, tiêu cực, đảm bảo an ninh trật tự trong nội địa và biên giới, không để xảy ra điểm nóng về công nhân, tôn giáo, biên giới.

Tỉnh tiếp tục chủ động trong mối quan hệ với các tỉnh biên giới Campuchia, chủ động liên kết vùng với các tỉnh, thành phố trong vùng, để học hỏi kinh nghiệm, tranh thủ nguồn lực, nhân lực, đẩy mạnh kết nối hạ tầng nhằm phát triển tăng trưởng xanh và bền vững./.