Tạo cơ hội để y bác sỹ trong nước tiếp cận các tiến bộ khoa học

Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ kỹ thuật, chuyển giao bệnh nhân giữa Việt Nam và các quốc gia khác.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 26/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Nhiều ý kiến cho rằng sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua việc quản lý hành nghề và đảm bảo tôn trọng quyền của người bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh), trong Điều 4 của Dự thảo có quy định 5 nhóm chính sách, trong đó có chính sách khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khuyến khích như nào, dự thảo lại không quy định rõ.

[Bổ sung dự án Luật Khám bệnh (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật]

Đại biểu đề nghị bổ sung, cụ thể hóa các chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo nhân lực, cơ chế tài chính, thu hút vốn đầu tư và trí thức từ nước ngoài… nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động khám, chữa bệnh. 

Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, các đại biểu cho rằng thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề giao cho Hội đồng y khoa Quốc gia là không phù hợp vì cơ quan này chỉ mang tính chất tư vấn nhiều hơn, cần giao cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện sẽ đúng với thực tiễn, không xáo trộn hệ thống quản lý người hành nghề như hiện nay.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị để quy định này đảm bảo hiệu quả, khả thi cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép hành nghề, cơ chế phối hợp liên thông giữa các cơ quan cấp giấy phép hành nghề, tránh tình trạng một người hành nghề có nhiều giấy phép do các cơ quan cấp khác nhau…

Các đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định về hợp tác quốc tế trong khám chữa bệnh, bởi dự thảo chưa có quy định nào đề cập đến hợp tác quốc tế, trong khi đó, đây là hoạt động diễn ra thường xuyên, phổ biến và tương lai sẽ phát triển mạnh. Hợp tác quốc tế đem lại những giá trị vô cùng lớn cho nền y học nước nhà.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ kỹ thuật, hỗ trợ bệnh nhân, chuyển giao bệnh nhân giữa Việt Nam và các quốc gia khác.

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội), chưa bao giờ và chưa khi nào, hệ thống y tế phải chịu áp lực và khối lượng công việc lớn như ba năm qua. Trước những diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, với những công việc mới, khó, chưa từng có trong tiền lệ, vai trò của hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế đặc biệt quan trọng.

Bà Hà cho biết dịch bệnh đã chỉ ra không ít những bất cập, hạn chế, đặt ra tính cấp thiết phải hoàn thiện ngay hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế.

“Luật Khám bệnh, chữa bệnh là hành lang pháp lý quan trọng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân,” bà Hà nhấn mạnh. 

Góp ý về một số nội dung cụ thể, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng chia thành 3 cấp (Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu) là phù hợp.

Riêng đối với cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu cần mở rộng mô hình, không chỉ là các bệnh viện mà có thể xây dựng các trung tâm chẩn đoán hình ảnh, trung tâm xét nghiệm vùng để tập trung đầu tư các công nghệ hiện đại nhất, ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh bất thường xảy ra.

Theo đại biểu, đây cũng là bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác chống dịch vừa qua.

Về quy định sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh của người nước ngoài, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng quy định này là cần thiết nhưng phải bảo đảm tính khả thi, an toàn cho người bệnh.

Đặc biệt, quy định phải tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại, tạo cơ hội để đội ngũ y bác sỹ trong nước được tiếp thu các tiến bộ khoa học, kỹ thuật khám chữa bệnh tiên tiến trên thế giới.

Bà Hà nhấn mạnh việc quy định người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải biết tiếng Việt thành thạo cần nghiên cứu, xem xét bởi thực tế nhiều bác sỹ nước ngoài có trình độ chuyên môn cao nhưng không có khả năng nói tiếng Việt, nhất là khi tiếng Việt chưa phải là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới.

Tại ở Hà Nội, có một số phòng khám Hàn Quốc, Nhật Bản, bác sỹ có trình độ chuyên môn cao, nếu chỉ cho phép các bác sỹ này khám cho người có cùng ngôn ngữ thì sẽ hạn chế quyền được tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân Việt Nam.

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư mời các bác sỹ có chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại nhưng những người dân Việt Nam lại không được sử dụng dịch vụ là không phù hợp.

Đồng tình với quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) cũng cho rằng việc quy định người nước ngoài hành nghề phải biết tiếng Việt thành thạo sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ của cơ sở khám, chữa bệnh, hạn chế việc xảy ra các sự cố y khoa.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc để tránh tạo rào cản đối với đội ngũ bác sỹ Việt Nam trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến về khám chữa bệnh trên thế giới, nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Đối với quy định về giá, các đại biểu cho rằng, dự thảo quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, chỉ quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm 3 nhóm yếu tố chi phí phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh, đó là: hàng hóa phục vụ cho việc khám chữa bệnh, dịch vụ khám chữa bệnh và các chi phí khác có liên quan đến quá trình khám chữa bệnh.

Các đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi quy định tại khoản 1, Điều 91 nhằm thể hiện đầy đủ các yếu tố cấu thành của giá dịch vụ khám chữa bệnh như con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin...

Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ các nguyên tắc về mua sắm, sử dụng vật tư y tế, thuốc chữa bệnh; các quy định về khám, chữa bệnh trong tình trạng đặc biệt đối với các nhóm bệnh đặc biệt như là Nhóm A (gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh để có tầm nhìn khái quát, có tính dài hạn; các nguyên tắc và tiêu chí chung về xác định chi phí khám, chữa bệnh, quản lý thiết bị y tế, mua sắm từ các nguồn ngân sách khác nhau và tài trợ xã hội.../.

Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)