Tăng trưởng Xanh: Đáp ứng 'luật chơi mới" để gia tăng kim ngạch xuất khẩu
Kinh tế Số, Kinh tế Tuần hoàn, Tăng trưởng Xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Vì vậy, doanh nghiệp cần đón đầu xu hướng mới để nâng cao sức cạnh tranh và xuất khẩu bền vững.
Những khó khăn do kinh tế Thế giới hồi phục chậm đã tác động mạnh đến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2023. Chính vì vậy, việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường và khách hàng về Phát triển Xanh và Bền vững là yếu tố tiên quyết để gia tăng giá trị, giữ vị thế của hàng hóa xuất khẩu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Đơn hàng giảm, áp lực cạnh tranh gay gắt
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngay từ đầu năm 2023, những khó khăn về lạm phát từ các thị trường lớn kéo theo đơn hàng sụt giảm đã tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Chỉ tính riêng quý 1/2023, xuất khẩu của cả nước giảm tới 11,9% so với cùng kỳ năm trước, con số này cũng phản ánh thực trạng khó khăn của nền sản xuất trong nước - khi công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm từ 85 đến hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam cũng đã suy giảm sâu từ cuối năm 2022.
Chỉ riêng lĩnh vực dệt may, 2023 là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm xấp xỉ 10%. Nguyên nhân chính là do tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng sản xuất có xu thế giảm mạnh, bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%, trong khi các quốc gia tập trung cạnh tranh về giá để lấy được đơn hàng.
Cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, với những khó khăn dồn dập, trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 301,56 tỷ USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, có đến 5 trong tổng số 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến suy giảm so với cùng kỳ, đơn cử như: Điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 53 tỷ USD, giảm 8,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác ước đạt 43 tỷ USD, giảm 5,6%; hàng dệt may đạt ước đạt 33,22 tỷ USD, giảm 11,6%; giày dép các loại đạt 20,37 tỷ USD, giảm 14,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,2%.
Thực tế trong năm vừa qua, các thị trường lớn như Mỹ, EU... đều chịu tác động mạnh từ áp lực lạm phát dẫn đến thắt chặt chi tiêu, giảm tổng cầu, giảm nhập khẩu hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Đó là chưa kể nhiều nước nhập khẩu đặt ra các yêu cầu cao về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt hơn với các nước xuất khẩu có cơ cấu hàng hóa tương đồng.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay 2023 là năm khó khăn với nhiều ngành sản xuất, trong đó có công nghiệp hỗ trợ (gồm công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh). Theo đó, đơn hàng sụt giảm tại nhiều thị trường chính như châu Âu, khiến doanh thu bình quân của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ giảm 40%.
Tập trung phát triển bền vững
Trước thực tế trên, nhiều giải pháp mạnh đã được cơ quan quản lý tập trung tháo gỡ, trong đó từ phía Bộ Công Thương, công tác xúc tiến thương mại, kết nối với các cơ quan Thương vụ, Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài để tìm kiếm cơ hội thị trường, quảng bá các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, có chất lượng cao để đưa vào các thị trường mới, tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu… liên tục được đẩy mạnh.
Nhờ vậy, lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã phục hồi tích cực, đặc biệt là sự bứt phá trong những tháng cuối năm, kéo chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cả năm 2023 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều địa phương, trong đó có những địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi và đạt tốc độ tăng IIP ở mức cao, trên hai con số như: Bắc Giang tăng 20,3%; Quảng Ninh tăng 14%; Hải Phòng tăng 13,2%; Trà Vinh tăng 29%; Hà Nam tăng 13,5%; Ninh Thuận tăng 13,2%...
Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp “trúng lớn” với tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 53 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục hơn 12 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước, trong đó, có hơn 10 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động khó lường; đặc biệt là biến động về thị trường, tiêu dùng và biến đổi khí hậu, song liên bộ Công Thương-Nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị đầu mối của hai ngành thực hiện tốt các nội dung trong chương trình phối hợp, đặc biệt tập trung vào phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, hai bộ tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin thị trường; tổ chức nhiều hội nghị hội thảo, tọa đàm cũng như phối hợp kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc... góp phần đóng góp vào sự phát triển ngành nông nghiệp và đất nước.
Một điểm đáng lưu ý trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023 đó là cán cân thương mại hàng hoá ghi nhận mức xuất siêu lớn với con số lên tới 28 tỷ USD (cao hơn 2 lần so với năm 2022).
Để giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của nhà nhập khẩu, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại khẳng định Chuyển đổi Xanh là xu thế tất yếu. Vì thế, song song với việc nâng cao năng lực để đáp ứng những tiêu chuẩn mới, các bộ ngành liên quan sẽ phải nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đưa ra những tiêu chuẩn, quy định về Chuyển đổi Xanh đối với từng lĩnh vực cụ thể.
“Cục Xúc tiến Thương mại đã xây dựng Bộ chỉ số về Năng lực Xúc tiến Thương mại và sắp tới sẽ bổ sung thêm những chỉ số về Chuyển đổi Xanh trong xúc tiến thương mại và xuất khẩu. Chính phủ đã có chương trình liên quan đến hoàn thiện khung khổ pháp lý từ giai đoạn 2023-2027 và các bộ, ngành cũng đã xây dựng chương trình hoàn thiện pháp luật liên quan đến Chuyển đổi Xanh, Kinh tế Tuần hoàn và kinh doanh có trách nhiệm…,” ông Vũ Bá Phú cho hay.
Ngoài ra, các chuyên gia thương mại cho rằng để ứng phó thích hợp với các tiêu chuẩn Xanh trong xuất nhập khẩu hàng hóa thời gian tới đây, có ít nhất “7 cần” mà doanh nghiệp phải làm được, đó là: Cần đa dạng hoá đối tác thương mại; Cần đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản, xây dựng chiến lược giảm lượng carbon; Cần tham gia vào các dự án Bù đắp carbon; Cần đánh giá mức độ thâm dụng carbon; Cần đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ và Cần tham gia vào các sáng kiến hợp tác công nghiệp. Có như vậy hoạt động xuất khẩu mới phát triển bền vững./.