Tăng trưởng chung của Thành phố Hồ Chí Minh chững lại
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,46% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có sự khởi sắc nhưng chưa bền vững, tăng trưởng chung của Thành phố Hồ Chí Minh trong quý 2/2024 có dấu hiệu chững lại.
Đây là nhận định của các sở ngành và chuyên gia tại cuộc họp kinh tế-xã hội tháng 6, sơ kết 6 tháng đầu năm của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra chiều 1/7.
Một số ngành khởi sắc
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,46% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,55%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây. Cụ thể, ngành khai khoáng tăng 42,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,8%.
Đối với ngành công nghiệp cấp 2, có 17/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, một số ngành có mức tăng cao như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hóa chất tăng 21%; sản xuất đồ nội thất tăng 14%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 14%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng hơn 13%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 11,7%.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá; trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,56 tỷ USD, tăng 13,1% so cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 4,6% so cùng kỳ.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, kết quả khảo sát doanh nghiệp trong quý 2/2024 cho thấy, lĩnh vực sản xuất dệt may bắt đầu có đơn hàng trở lại do những nỗ lực tìm kiếm thị trường mới và chuyển đổi số, chuyển dịch xanh, chào mời giá cạnh tranh.
Lĩnh vực chế biến và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp như gạo, thủy sản, trái cây... tăng trưởng tương đối khá hơn nhờ sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ đã có đơn hàng đến cuối năm.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HUBA, khảo sát chung hầu hết doanh nghiệp đang hoạt động ổn định với tỷ lệ 57.1%, tăng hơn 6% so với quý 1/2024. Tuy nhiên, số doanh nghiệp giảm doanh thu lại tăng vọt lên mức hơn 30%, cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã tạm thời thích ứng với khó khăn và tình trạng thanh lọc thị trường đang diễn ra với các doanh nghiệp vốn mỏng, quản trị yếu hoặc trong ngành có sự suy giảm sức cầu đột biến.
Bên cạnh những lĩnh vực khởi sắc, một số lĩnh vực khác như kinh doanh vật liệu xây dựng, thương mại bán lẻ đang gặp không ít khó khăn. Cụ thể, ngành thép, vật liệu kết cấu và xây dựng, đa số doanh nghiệp vẫn khó khăn, thậm chí một số đơn vị giảm doanh số tới 70%, khá nhiều đơn vị không có đơn hàng nên chỉ có thể duy trì sản xuất cách nhật. Lĩnh vực thương mại, bán lẻ và sự kiện ghi nhận sức mua suy giảm đáng kể, có một số ngành hàng giảm tới 50% - 60% và dự báo tiếp tục giảm 10% trong các tháng tới.
Số liệu của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra, dù chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao nhất trong vòng 3 năm nhưng chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố (bao gồm ngành hóa dược; chế biến lương thực, thực phẩm; cơ khí; sản xuất hàng điện tử )chỉ tăng 5% so với cùng kỳ, thấp hơn 0,6 điểm % so với toàn ngành công nghiệp.
Trong khi đó, chỉ số sản xuất 3 ngành công nghiệp truyền thống là hàng may mặc, dệt, da giày giảm 2,3% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang có sự phục hồi nhưng chưa bền vững.
Đầu tư công ì ạch
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, quý I/2024 tăng trưởng GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,54% cao hơn bình quân cả nước nhưng sang quý 2 GRDP của thành phố chỉ đạt 6,31%, thấp hơn bình quân cả nước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo là trụ cột chính của kinh tế nhưng lại có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng chung. Doanh nghiệp khẳng định đơn hàng có tăng, xuất khẩu có tăng nhưng năng lực sản xuất hạn chế, chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến hiệu quả thấp. Ngành xây dựng quý 2 được kỳ vọng tăng trưởng hơn quý 1 nhưng thực tế lại giảm mạnh.
Thị trường bất động sản có phục hồi nhưng chưa đủ lực để góp vào tăng trưởng cho lĩnh vực xây dựng. Dịch vụ là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng, tăng 6,8% nhưng qua quý 2 hoạt động kinh doanh lưu trú, ăn uống giảm. Mức tiêu dùng trong quý 2 cũng có xu hướng chậm lại, chỉ tăng 10%.
Về đầu tư, 6 tháng đầu năm 2024 tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước thực hiện 148.355,2 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Còn theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 28/6, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân là 10.129 tỷ đồng, đạt 12,8% tổng kế hoạch vốn được giao.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng nêu vấn đề, giải ngân đầu tư công trong quý I đạt hơn 7%, sang quý 2 thấp hơn quý 1 làm ảnh hưởng đến tiến độ mà thành phố đề ra (đến hết tháng 6/2024 giải ngân đạt 22%). Như vậy, trong nửa cuối năm, trung bình mỗi tháng thành phố phải giải ngân được 13% mới hoàn thành mục tiêu cả năm. Chậm giải ngân đầu tư công cũng ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Chuyên gia Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra, tổng đầu tư toàn xã hội 6 tháng của thành phố chỉ tăng 2,6%. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn yếu, cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, đầu tư tư nhân đang gặp rất nhiều vướng mắc. Các chương trình kích cầu đầu tư dù triển khai nhưng chưa doanh nghiệp nào vay được.
"Thành phố Hồ Chí Minh cần rà soát lại các vướng mắc và tạo sự đột phá trong giải quyết các điểm nghẽn về giải ngân đầu tư; phải giải quyết tình trạng tiền chờ dự án. Về lĩnh vực không nên chỉ đánh giá chỉ số hàng tháng mà cần có sự khảo sát, thống kê thực tế xem từ sau dịch COVID-19 đến nay có bao nhiêu nhà máy được xây dựng, bao nhiêu diện tích khu công nghiệp được lấp đầy để biết năng lực phát triển. Nghị quyết 98 đã được triển khai 1 năm; trong đó ,nhóm vấn đề liên quan cơ chế phân cấp phân quyền đã được thành phố thực hiện khá tốt nhưng nhóm chính sách tạo động lực, huy động nhà đầu tư chiến lược thì chưa làm được, chưa có dự án cụ thể được triển khai. Thành phố muốn đẩy tăng trưởng, cần có những dự án đóng vai trò kích cầu mạnh hơn," vị chuyên gia này khuyến nghị.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, kết quả trong những tháng đầu năm của thành phố có hai vấn đề nổi lên, có mối quan hệ biện chứng đó là năng lực hấp thu vốn và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.
Năng lực hấp thu vốn của thành phố chưa cao, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính được cải thiện chưa nhiều là vấn đề phải tập trung giải quyết trong nửa cuối năm. Cả đầu tư và đầu tư tư nhân đều vướng mắc về thủ tục, điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đất đai, thủ tục dự án… Kết quả giải ngân đầu tư công của thành phố chỉ đạt 50% so với trung bình cả nước, có nguyên nhân lớn đến từ việc giải quyết chậm thủ tục hành chính.
Trong 6 tháng cuối năm, thành phố phải tìm mọi giải pháp thúc đẩy tăng trưởng từ 7% trở lên, cố gắng đạt 8% ở quý 4 mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng các năm. Giải pháp là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân bằng cách hoàn thành sớm công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn. Các quận, huyện, sở ngành nhanh chóng rà soát lại các dự án cần điều chỉnh vốn đầu tư, nếu cần thiết sẽ điều chuyển dự án chậm triển khai cho đơn vị khác có năng lực.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, người đứng đầu các sở ngành, quận huyện phải rà soát xem lĩnh vực, địa bàn mình còn tồn tại bao nhiêu vấn đề, giao việc và thường xuyên giám sát, đốc thúc đảm bảo tiến độ thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để hết năm 2025 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố quay lại top 5 cả nước.
Bên cạnh đầu tư, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tạo động lực tăng trưởng tiêu dùng thông qua các chương trình kích cầu thương mại, du lịch, mua sắm của người dân, doanh nghiệp và cơ quan đơn vị sự nghiệp.
Song song, phát huy các kết quả của ngành dịch vụ, du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục tổ chức các hoạt động, phát triển sản phẩm mới, thu hút du khách đến lưu trú và chi tiêu nhiều hơn./.