Tăng giá dịch vụ đăng kiểm giúp phòng chống tiêu cực kiểm định xe ôtô

Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm tra trong công tác kiểm định xe cơ giới.

Nhân viên đăng kiểm thực hiện quy trình kiểm định xe cơ giới. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ngoài việc phát triển nguồn nhân lực đăng kiểm viên và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng kiểm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ đề xuất điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định phù hợp với thực tế, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Có gần 22% xe trượt đăng kiểm lần đầu

Tại Hội nghị về công tác kiểm định xe cơ giới năm 2023 và định hướng năm 2024 của Cục Đăng kiểm Việt Nam vào chiều 13/1, theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính tới nay, cả nước có 274/292 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động (tương đương 94%) với 447/542 dây chuyền kiểm định đang hoạt động (tương đương hơn 82% năng lực kiểm định toàn hệ thống). Hiện còn 18 trung tâm đăng kiểm đang dừng hoạt động do phục vụ công tác điều tra, do không đủ điều kiện hoặc tự đóng cửa.

“Vì vậy, từ cuối tháng 6/2023 hệ thống kiểm định trên toàn quốc cơ bản đã hoạt động bình thường trở lại, đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định xe của người dân và doanh nghiệp,” ông Thắng đánh giá.

Về nguồn nhân lực đăng kiểm viên, trong năm qua, Cục Đăng kiểm đã tổ chức 31 đợt đánh giá đăng kiểm viên, công nhận mới cho 295 đăng kiểm viên xe cơ giới và 279 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao; thực hiện đánh giá, cấp lại chứng chỉ đăng kiểm viên cho 217 đăng kiểm viên xe cơ giới và 236 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.

Tính đến thời điểm này, cả nước có 1.747 đăng kiểm viên đang thực hiện công tác kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm, trong đó có 1.002 đăng kiểm viên bậc cao và 745 đăng kiểm viên xe cơ giới.

Trong năm 2023, toàn hệ thống đã kiểm định được 5.358.411 lượt phương tiện, trong đó 4.186.573 phương tiện đạt yêu cầu (chiếm 78,1%); có 1.171.837 lượt phương tiện không đạt lần đầu và phải bảo dưỡng, sửa chữa hiệu chỉnh để kiểm định lại (chiếm 21,9%).

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng hoạt động bình thường trở lại, đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định xe của người dân và doanh nghiệp. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đặc biệt, ngày 30/12/2023 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/2/2024 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 85/2014, trong đó đã phân cấp rõ dàng và toàn diện các nội dung thẩm định thiết kế cho các Sở Giao thông Vận tải các địa phương để thực hiệnđược hầu hết các nội dung cải tạo xe cơ giới hiện nay, Cục Đăng kiểm chỉ thực hiện thẩm định thiết kế đối với một số trường hợp nội dung cải tạo xe cơ giới phức tạp, đòi hòi cần có chuyên môn sâu.

Ngoài ra, Thông tư 43 cũng quy định việc thực hiện thẩm định thiết kế được thực hiện tại bất kỳ các Sở Giao thông Vận tải địa phương trên toàn quốc thay vì các sở chỉ chịu trách nhiệm thẩm định các thiết kế cải tạo xe cơ giới có đăng ký biển số tại địa phương mình, giúp cho người dân, doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn để thực hiện.

Trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không làm thay đổi đặc điểm, kiểu loại phương tiện thì không được coi là cải tạo, và tiếp tục được kiểm định an toàn kỹ thuật-bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định.

“Thông tư này làm rõ các trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi để đơn giản hóa thủ tục trong cải tạo, giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện khi đi kiểm định,” lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh.

Đề xuất tăng giá dịch vụ đăng kiểm

Đưa ra nhiệm vụ năm 2024, Cục Đăng kiểm tập trung thay đổi căn bản nhận thức của cán bộ, nhân viên trong toàn ngành theo hướng hoạt động kiểm định là việc cung cấp dịch vụ công và phải lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm tôn chỉ mục tiêu phục vụ và đây được coi là giải pháp gốc rễ vì từ nhận thức đúng thì hành động mới đúng.

Cơ quan này tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về thể chế, trong đó sửa đổi căn bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ Luật Giao thông đường bộ đến thông tư, quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng các Đề án nhằm tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ đăng kiểm để đảm bảo sự công khai, minh mạch, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ đồng thời tăng cường phân cấp quản lý cho địa phương để nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Cục Đăng kiểm đã thúc đẩy đổi mới trang thiết bị kiểm định theo hướng khuyến khích việc áp dụng công nghệ mới nhằm giảm sự tác động, can thiệp chủ quan của con người. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, Cục Đăng kiểm đã thúc đẩy đổi mới trang thiết bị kiểm định theo hướng khuyến khích việc áp dụng công nghệ mới, tăng tính chủ động, sáng tạo, tăng sự tự động hóa, kết nối nhằm giảm sự tác động, can thiệp chủ quan của con người; thiết lập cơ sở dữ liệu quản lý tập trung và được cập nhật thường xuyên trên cơ sở thời gian thực. Các cơ sở dữ liệu được chia sẻ giữa các cơ quan hữu quan (thuế, đăng ký, quản lý đường bộ, ...) để tăng hiệu quả quản lý nhà nước phục vụ cho công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số.

Trước yêu cầu nâng cao chất lượng và phòng chống tiêu cực trong công tác kiểm định, Cục Đăng kiểm sẽ đề xuất điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định phù hợp với thực tế, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

“Cục Đăng kiểm mong muốn thực hiện thắng lợi 3 đột phá trong lĩnh vực đăng kiểm đó là hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm tra,” ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh./.