Tăng cường tương thích dữ liệu thông tin trong ngành Tài chính
Cơ quan Thuế và Hải quan khẳng định thông điệp tiếp tục chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý Nhà nước trong giai đoạn tiếp theo với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Nhằm góp phần hưởng ứng và đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện triển khai Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 với chủ đề “Năm dữ liệu số quốc gia” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thời báo Tài chính Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Thuế-Hải quan 2023 với chủ đề: "Chuyển đổi số ngành Thuế và Hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp,” ngày 8/11.
Trong khuôn khổ diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp đã thảo luận và đánh giá những bước tiến vượt bậc, làm rõ kết quả chuyển đổi số của ngành Tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và hải quan.
[Tổng cục Thuế rà soát để ngăn chặn tình trạng xuất khống hóa đơn]
Với yêu cầu hình thành hệ sinh thái tài chính số toàn diện và hiện đại, đảm bảo chia sẻ dữ liệu của ngành Tài chính với các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu khai thác, sử dụng… Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, chia sẻ nhiều năm qua, Bộ Tài chính luôn tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong lĩnh vực quản lý, giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính-ngân sách, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Kết quả, Bộ Tài chính luôn giữ vị trí dẫn đầu trong xếp hạng về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index) trong bảy năm liên tiếp. Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, Bộ Tài chính đứng thứ 2 trong số các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công vào năm 2022.
Những kết quả tích cực trong chuyển đổi số của ngành Tài chính đã được người dân, doanh nghiệp, tổ chức đánh giá cao. Trong đó, các lĩnh vực thuế-hải quan luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số. Hiện, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố với 100% chi cục thuế trực thuộc và trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử. Bên cạnh đó, ngành Hải quan ghi nhận 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia...
Tại đây, cơ quan Thuế và Hải quan đã đưa ra thông điệp về tiếp tục chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý Nhà nước trong giai đoạn tiếp theo với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định ngành Thuế xác định chuyển đổi số thực sự thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Vì vậy, Cơ quan Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Định hướng chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2025, ngành Thuế định hướng phát triển hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý Nhà nước.
Trong giai đoạn tới, ngành Thuế sẽ triển khai xây dựng kho cơ sở dữ liệu thuế và phát triển hệ thống phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro. Các dịch vụ thuế điện tử sẽ tiếp tục mở rộng đồng thời triển khai Chatbot hỗ trợ người nộp thuế. Bên cạnh đó, Cơ quan Thuế sẽ mở rộng bản đồ số hộ, cá nhân kinh doanh và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh theo định hướng Chuyển đổi Số.
Đại diện Tổng cục Hải quan cũng cho biết ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với với các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Hệ thống quy trình thủ tục hải quan sẽ được tái thiết kế, để làm cơ sở để xây dựng mô hình Hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số, Hải quan thông minh với mức độ số hóa và tự động hóa ngày càng cao./.