Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
Các tổ chức xã hội có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ quản lý rủi ro các khoản vay chính sách, do đó rất sự lãnh đạo của Đảng để có thể huy động sức mạnh tổng thể của các tổ chức này.
Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ra đời, đã đáp ứng đúng nguyện vọng và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Để phục vụ xây dựng Đề án tổng kết về thực trạng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới mới,” ngày 2/7.
Tìm kiếm cách tiếp cận mới
Trên thực tế, Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách trong mười năm qua, thông qua đó đã thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng-người dân-chính quyền trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo cơ hội phát triển bền vững cho mọi tầng lớp nhân dân.
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng-an ninh và phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên bối cảnh, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp và khó lường. Nhiều xu hướng mới xuất hiện (như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với đó là những vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…) và đang diễn biến ngày càng sâu sắc với những tác động nhiều chiều đến nền kinh tế Việt Nam.
Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh tất cả những điều này đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động của tín dụng chính sách xã hội, do đó cần phải có những quan điểm mới, giải pháp mới đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhất là nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội. Bởi, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục.
“Với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương được Ban Bí thư giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW,” ông Sơn chia sẻ.
Huy động sức mạnh toàn xã hội
Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Thanh Tâm, Viện Ngân hàng-Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhấn mạnh tín dụng chính sách xã hội có mạng lưới rộng khắp, các chương trình cho vay được mở rộng tới nhiều đối tượng chính sách. Sự phát triển của Ngân hàng chính sách xã hội đã giúp tăng mức độ tiếp cận tín dụng chung của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt tại các vùng sâu vùng xa.
Theo Tiến sỹ Lê Thị Thanh Tâm, Ngân hàng chính sách xã hội đang cho vay trên 6,8 triệu hộ gia đình (1/3 dân số Việt Nam) với dư nợ xấp xỉ 332 triệu tỷ (tương đương hơn 13 tỷ USD, tiếp cận khoảng 92% tổng số hộ vay và chiếm tới 87% giá trị tổng các khoản cho vay trong thị trường tài chính vi mô Việt Nam. Điểm nổi bật, tỷ lệ nợ xấu thấp dưới 1%. Nhờ vậy, tình trạng “tín dụng đen” tại các vùng sâu vùng xa đã giảm dần.
Chỉ ra một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội trong bối cảnh mới, trong đó Tiến sỹ Lê Thị Thanh Tâm kiến nghị cần tăng cường về chuyển đổi số. Cụ thể là tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực ngân hàng, từ đó tự động hóa dần dần quy trình, phát triển các sản phẩm mới và nâng cao tính bảo mật, đặc biệt trong các hoạt động thanh toán và gửi tiết kiệm. Hơn nữa, chuyển đổi số cho phép ngân hàng tiếp cận khách hàng nhanh chóng với chi phí rẻ hơn đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đồng tình với kiến nghị trên, Tiến sỹ Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng trong thời gian tới với nhiều diễn biến mới và đặc biệt là sự phát triển của công nghệ số. Trong đời sống, người dân Việt Nam kể cả ở những vùng sâu, vùng xa đã và đang tiếp cận được hệ thống internet và kết nối điện thoại. Trong khi, áp dụng công nghệ số có thể giúp triển khai những khoản vay nhỏ đồng thời có thể quản lý rủi ro hiệu quả hơn.
Thời gian tới, Tiến sỹ Nguyễn Tú Anh cho rằng mạng lưới cho vay phải mở rộng hơn để có thể tiếp cận được những người dân thuộc nhóm “lõi” nghèo. Trên thực tế, nhóm “lõi” nghèo là rất khó để thoát nghèo, bởi vì họ những vấn đề riêng, do đó cần phải có ứng dụng công nghệ số để có thể tiếp cận nhóm đối tượng này. Bên cạnh chuyện giảm nghèo, Tiến sỹ Nguyễn Tú Anh chỉ ra các chính sách xã hội cũng cần chú trọng thúc đẩy nhóm người dân đang cận nghèo, vươn lên để thực sự thoát nghèo bền vững. Để làm được điều này, vai trò này của các tổ chức xã hội và sự hỗ trợ của các tổ chức chính trị là rất quan trọng.
Nhấn mạnh về sự lãnh đạo của Đảng, Tiến sỹ Nguyễn Tú Anh chỉ ra tín dụng chính sách xã hội cần phải huy động được sức mạnh của hệ của các tổ chức chính trị xã hội trong trong nước. Do đó, sự lãnh đạo của Đảng cần được tăng cường, để huy động toàn bộ sức mạnh của tất cả các bên (như Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…). Tất cả những tổ chức, hiệp hội này có vai trò rất quan trọng để hỗ trợ cho người nghèo trong việc tiếp cận với nguồn vốn chính sách, ví dụ như đứng ra để bảo lãnh, đảm bảo nguồn và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn.
“Các tổ chức xã hội có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ quản lý rủi ro các khoản vay. Song, muốn thống nhất tất cả sức mạnh tổng thể của các tổ chức xã hội thì rất cần sự lãnh đạo của Đảng,” ông Tú Anh nói./.