Tái hiện nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dịp đầu năm mới
Đồng bào dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng tái hiện Lễ hội Nàng Hai. Lễ hội Nàng Hai hay còn gọi là Mẹ Trăng, mang đậm chất dân gian truyền thống tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ.
Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2024 diễn ra từ ngày 24 - 25/2 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Trong khuôn khổ Ngày hội, chương trình “Bài ca mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân đất nước” được tổ chức. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ dự và chúc Tết đồng bào các dân tộc (đại diện 28 dân tộc gồm nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân…); cùng tham gia vòng xòe đại đoàn kết các dân tộc đầu Xuân.
Đặc biệt, đồng bào các dân tộc sẽ tái hiện, giới thiệu nghi thức, lễ hội truyền thống vùng miền, trình diễn nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đồng bào B’ru Vân Kiều của tỉnh Quảng Bình sẽ tái hiện Lễ Trỉa lúa (Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia). Người B’ru Vân Kiều chủ yếu sinh sống tại các bản làng trên dãy Trường Sơn, khí hậu khắc nghiệt, hạn hán, mưa lũ, thiên tai thường diễn ra.
Hoạt động sản xuất chủ yếu là làm nương rẫy và trồng lúa. Trỉa lúa (lấp lỗ) là công đoạn cuối cùng của quy trình làm nương rẫy (chặt, đốt, cốt, trỉa), đã được người dân nâng lên thành lễ hội nhằm cầu mong các vị thần linh bảo hộ cho hạt giống được sinh sôi nảy nở, chắc hạt nặng bông khi đến mùa thu hoạch.
Đồng bào dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng tái hiện Lễ hội Nàng Hai (Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia). Lễ hội Nàng Hai hay còn gọi là Mẹ Trăng, mang đậm chất dân gian truyền thống tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ.
Lễ hội được sáng tạo từ cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người nông dân miền núi; bắt đầu vào tháng Giêng, kéo dài đến trung tuần tháng Ba. Đây cũng là lễ hội tiêu biểu, thể hiện đầy đủ giá trị tâm linh truyền thống cũng như các loại hình văn hóa dân gian người Tày.
Các nghệ nhân của Thanh Hóa giới thiệu Trò Xuân phả (Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia). Di sản này không chỉ là báu vật văn hóa xứ Thanh, đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
Đặc trưng ở trò Xuân Phả là các vũ công nam có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu” với nhiều động tác múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt.
Đồng bào dân tộc Chăm tái hiện Lễ hội múa đầu năm - Rija Nagar. Lễ hội diễn ra trong thời điểm chuyển giao giữa mùa khô với mùa mưa như một hình thức cầu mưa. Đời sống người Chăm, gắn liền với các hoạt động nông nghiệp từ nhiều đời nay.
Do đó, Lễ hội Rija Nagar là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Chăm kết hợp với nghệ thuật biểu diễn ca múa nhạc, làm cho không khí năm mới tràn đầy phấn khởi và vui vẻ, góp phần quan trọng bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của người Chăm.
Chương trình Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ sẽ diễn ra sáng 24/2. Phong trào này đã trở thành nét đẹp văn hóa, hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, địa phương và mọi người dân Việt Nam.
Theo lời dạy của Người, Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện những chương trình lớn để trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc. Hàng năm, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc tụ hội tổ chức vui Xuân đón Tết, thực hiện nghi lễ trồng cây tại không gian các làng dân tộc.
Cùng với đó là chương trình “Du xuân” giới thiệu trò chơi, tri thức dân gian, ẩm thực truyền thống ngày Tết.../.