Syria thời hậu Tổng thống Bashar al-Assad: Giữa ngã ba đường
Sự chia rẽ sắc tộc và giáo phái, cùng với việc nhiều nhóm vũ trang đang kiểm soát các khu vực địa lý khác nhau ở Syria dẫn đến rất khó dự đoán tương lai của đất nước Syria.
Theo trang mạng moderndiplomacy.eu, việc nhiều nhóm vũ trang đang kiểm soát các khu vực địa lý khác nhau ở Syria dẫn đến rất khó dự đoán tương lai của đất nước Syria.
Nhóm nhóm vũ trang Hồi giáo Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) đã nổi lên như một thế lực chủ chốt.
Được thủ lĩnh Abu Muhammad al-Julani lãnh đạo, HTS hiện kiểm soát các thành phố lớn như Aleppo, Idlib, Hama và Homs, cùng với bờ biển quan trọng của đất nước.
Nửa phía Nam của Syria do 2 phe liên minh với HTS, gồm "Quân đội Tự do Syria" (SFA) và nhóm vũ trang mang tên "Phòng Tác chiến phía Nam" (SOR), quản lý.
SFA, nhóm được Mỹ hậu thuẫn ban đầu đóng quân gần biên giới Jordan, đã mở rộng quyền kiểm soát tới các khu vực của Damascus và các địa điểm chiến lược khác.
Trong khi đó, SOR - liên minh giữa người Syria theo hệ phái Sunni và nhóm thiểu số Druze - hoạt động như một vùng đệm giữa Syria và Israel. Mặc dù các phe phái này góp phần vào các mục tiêu rộng lớn hơn của HTS, nhưng lợi ích khác nhau của họ cũng gây ra mối đe dọa xung đột giữa các phe phái này.
Sự chia rẽ sắc tộc và giáo phái càng làm phức tạp thêm tình hình Syria thời hậu Tổng thống Bashar al-Assad.
Bối cảnh nhân khẩu học của đất nước bao gồm người Alawite dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, cộng đồng Druze ở phía Nam, người Kurd ở phía Bắc và đa số người Arab theo dòng Sunni trải rộng khắp đất nước.
Nhiều năm chiến tranh đã làm gia tăng sự chia rẽ này, khiến việc quản lý được các bên thống nhất gần như không thể thực hiện được.
Nhóm vũ trang HTS đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ SNA và SDF. SNA, được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, kiểm soát một vùng lãnh thổ tương đối nhỏ phía sau biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Bắc Syria.
Nhưng họ kiểm soát vũ khí tiên tiến và do đó có thể sử dụng hỏa lực mạnh với khả năng nhận thức tình huống vượt trội. SDF, do lực lượng người Kurd thống trị và được Mỹ hỗ trợ, nắm giữ một phần lãnh thổ lớn hơn ở Đông Bắc.
Tuy nhiên, khu vực do SDF chiếm đóng chủ yếu là người Arab, do đó tạo ra xung đột bên trong. Gần đây, các cuộc biểu tình của người Arập chống lại chính quyền SDF đã gia tăng, với những thương vong dân sự và lệnh giới nghiêm do lực lượng SDF áp đặt.
Những căng thẳng này làm nổi bật nền tảng mong manh của việc kiểm soát SDF, vốn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ bên ngoài hơn là sự hỗ trợ của công chúng.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước đóng vai trò quan trọng trong tương lai của Syria, đã thể hiện rõ lập trường của mình đối với SDF.
Xem nhóm này như một phần mở rộng của đảng Công nhân người Kurd (PKK), một tổ chức ly khai của người Kurd bị chính quyền Ankara đặt ngoài vòng pháp luật, Thổ Nhĩ Kỳ coi SDF là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của mình.
Mức độ ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc định hình bối cảnh hậu chiến của Syria sẽ phụ thuộc vào khả năng huy động sự ủng hộ giữa các phe phái địa phương và giải tán quyền lực của SDF.
Trong tương lai, SDF có thể sẽ phải đối mặt với liên minh gồm HTS và SNA do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn - một kịch bản có thể loại bỏ SDF khỏi toàn bộ khu vực.
Thêm vào sự phức tạp là vấn đề người tị nạn Syria.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, tính đến năm 2024, ít nhất 7,4 triệu người Syria vẫn phải di dời nhà cửa, trong đó có khoảng 4,9 triệu người đang tìm nơi ẩn náu ở các nước láng giềng. Thêm 1,3 triệu người đã được tái định cư ở nơi khác, chủ yếu ở châu Âu. Khi sự ổn định trở lại ở các vùng của Syria, hàng nghìn người đang cố gắng trở về nhà nhưng những nỗ lực tái thiết vẫn chưa đủ.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng của Syria sẽ cần tới hơn 400 tỷ USD - một con số đáng lo ngại sẽ làm trì hoãn việc tái định cư an toàn cho người tị nạn. Trong khi đó, những lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Assad có khả năng tập hợp hình thành các nhóm chiến binh chống lại chính quyền mới.
Một số nhà phân tích phương Tây đưa ra ý tưởng chia Syria thành 3 phần để ổn định khu vực. Tuy nhiên, giải pháp như vậy có thể vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ lực lượng vừa lên nắm quyền ở Syria.
Mối đe dọa tái xuất hiện của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng càng làm tăng thêm sự phức tạp cho tình hình vốn đã mong manh của Syria.
Lực lượng Mỹ đã tăng cường nỗ lực vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng của nhóm này, nhưng lực lượng mới nắm quyền ở Syria vẫn tỏ ra hoài nghi. Nhiều người coi đây là cái cớ để duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Khi Syria đang bấp bênh trước một chương mới, tương lai của nước này vẫn chưa chắc chắn.
Việc tránh gây ra cuộc nội chiến khác phải là ưu tiên hàng đầu. Cộng đồng quốc tế, các cường quốc trong khu vực và các phe phái ở Syria phải hành động cẩn thận để tránh đẩy đất nước vào một vòng xoáy bạo lực khác. Chỉ thông qua quản trị toàn diện, tái thiết có ý nghĩa và hòa giải thực sự, Syria mới có thể hy vọng trỗi dậy từ đống tro tàn của chiến tranh./.