Sức vóc mới của thành phố hiên ngang nơi đầu sóng
Mở rộng không gian kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo đúng định hướng là chủ trương mà Thành ủy Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo thành phố triển khai thời gian tới.
Là thành phố phát triển gắn liền với biển, với sự phát triển của cảng biển nên đất và người Hải Phòng mang khí phách riêng.
Hiện, người Hải Phòng tiếp tục kế thừa, phát huy những giá trị được vun bồi trong suốt chiều dài lịch sử và tiếp tục phấn đấu không ngừng để xây dựng thành phố Cảng vào nhóm những thành phố có trình độ phát triển cao hàng đầu châu Á vào năm 2045.
Hào phóng và tiên phong
Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng, ngay từ thuở khai thiên lập địa, Hải Phòng đã là vùng đất mà cư dân tiếp xúc với biển. Điều này rất quan trọng vì những cư dân có tư duy hướng biển, tiếp xúc với biển thì cách nhìn, cách nghĩ khác với những vùng miền khác.
Chính vì vậy, bên cạnh những giá trị văn hóa đặc sắc, mang đậm truyền thống văn hóa chung của dân tộc Việt Nam, Hải Phòng cũng có những nét văn hóa đặc trưng riêng vô cùng đa dạng, phong phú: từ phong tục tập quán đến những lễ hội dân gian mang đậm bản sắc dân tộc, từ các di tích lịch sử đền, chùa, lăng miếu độc đáo đến nghệ thuật ẩm thực hấp dẫn.
Bên cạnh phẩm chất cao đẹp, đáng quý của người nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ, người Hải Phòng còn có những phẩm chất cao đẹp khác được hình thành qua rất nhiều thế hệ, phẩm chất của con người luôn hướng ra biển lớn với tấm lòng cởi mở, hiên ngang, đầy khí phách, khao khát đổi mới, yêu tự do, trung thực, ngay thẳng và rất nhạy bén… tạo nên một phong cách riêng của người Hải Phòng, phong cách "ăn sóng, nói gió" và mang sức hút mạnh mẽ mà không phải địa phương nào trong cả nước cũng có được.
Lịch sử đã chứng minh người Hải Phòng luôn biết thể hiện những phẩm chất quý báu này để vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thậm chí vượt qua cả chính mình để đi tới thành công và những nét tính cách ấy chính là bản sắc để lại dấu ấn sâu đậm trong ngôn ngữ, kiến trúc và sinh hoạt thường ngày của người dân thành phố Cảng.
Cho dù ở bất cứ nơi nào, người Hải Phòng vẫn luôn mang theo những cá tính riêng của thành phố biển với niềm tự hào "hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu."
Những nét truyền thống văn hóa quý giá này luôn là nền tảng vững chắc, là vốn quý, là động lực rất quan trọng tạo nên hệ giá trị văn hóa của Hải Phòng, cần phải giữ gìn, phát huy mạnh mẽ nhiều hơn nữa trong công cuộc xây dựng, phát triển thành phố.
Với vị thế của thành phố Cảng, Hải Phòng là nơi lưu dấu nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt là từ giai đoạn người Pháp bắt đầu xây dựng Cảng Hải Phòng năm 1874.
Theo cuốn "Lịch sử Hải Phòng," tập 3, Nhà xuất bản Sự thật xuất bản năm 2021, "thành phố Hải Phòng, đô thị-cảng biển, được hình thành trong những thập niên cuối của thế kỷ XIX. Từ bến Ninh Hải bên sông Cấm, một tụ điểm buôn bán, đã nhanh chóng trở thành cửa khẩu giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp-thương mại, đầu mối giao thông, có vị trí chiến lược quân sự quan trọng, phục vụ đắc lực công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp."
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trương Quốc Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, vào thời cận đại, Hải Phòng là hải cảng lớn nhất của xứ Bắc Kỳ, đầu mối giao thông quan trọng trên đường hàng hải quốc tế và là một trung tâm công nghiệp, có Nhà máy xi măng đầu tiên ở Đông Dương.
Chính vì thế, Hải Phòng trở thành một trong những cái nôi đánh dấu sự ra đời của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hải Phòng là một trong những trung tâm của phong trào cách mạng, trong đó, giai đoạn 1955-1975, với vai trò là thành phố Cảng lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng tiếp nhận phần lớn hàng viện trợ quốc tế và là căn cứ xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Thành phố quốc tế dựa trên lợi thế của biển
Bước vào thời kỳ đổi mới đến giai đoạn hiện nay, Hải Phòng tiếp tục xác định phát huy các giá trị văn hóa biển đảo và thế mạnh của thành phố Cảng biển để phát triển kinh tế, xã hội.
Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, sau 30 năm hình thành và phát triển, đến nay các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn đã thu hút khoảng 520 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 28 tỷ USD cùng hơn 200 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 14,2 tỷ USD.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã chủ động thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các doanh nghiệp có công nghệ cao thân thiện với môi trường, có tiềm lực, đóng góp lớn cho thành phố, có sức lan tỏa, thu hút được các doanh nghiệp trong nước theo định hướng phát triển ba trụ cột nền kinh tế đã được Nghị quyết Đại hội XVI, Đảng bộ thành phố Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, đó là: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại.
Hiện thành phố đang phố hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương triển khai các dự án về cảng biển như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bến số 3, 4, 5, 6,7, 8 khu bến cảng nước sâu Lạch Huyện và kêu gọi đầu tư các bến còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Các cảng nước sâu đã đi vào hoạt động và chuẩn bị đưa vào khai thác tiếp tục khẳng định vị thế của cảng biển Hải Phòng trên bản đồ hàng hải quốc tế.
Trong những ngày cận kề Tết, cán bộ quản lý và người lao động đang triển khai Dự án Bến cảng số 5, số 6 của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Cảng container Quốc tế Hateco Hải Phòng tại Lạch Huyện (huyện Cát Hải) vẫn làm việc hết sức mình.
Ông Đỗ Văn Tuấn, Trưởng ban quản lý Dự án bến cảng số 5, 6, cho biết để phấn đấu đưa cảng vào khai thác trong quý 4/2024, Ban quản lý dự án đã yêu cầu các nhà thầu gửi kế hoạch triển khai xuyên Tết bao gồm các công việc thực hiện, đội ngũ cán bộ trực. Đến thời điểm này, một số gói thầu quan trọng đã kết thúc và các gói thầu chính đang triển khai đạt tiến độ đề ra.
Mở rộng không gian kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo đúng định hướng là chủ trương Thành ủy Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo thành phố triển khai thời gian tới.
Hải Phòng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Đề án thành lập Khu thương mại tự do. Thành phố tập trung triển khai thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, với diện tích dự kiến rộng 20.000ha, bao gồm khu phía Nam cửa sông Văn Úc, khu vực cảng và logistics Nam Đồ Sơn, các khu vực dịch vụ logistics, công nghiệp, cảng biển, sân bay sẽ hình thành trong tương lai.
Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được định hướng phát triển trở thành một khu kinh tế sinh thái, tuần hoàn, năng động và bền vững.
Đối với định hướng phát triển khu kinh tế, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải tham khảo kỹ lưỡng, đầy đủ mô hình các khu kinh tế thành công trên thế giới, trong đó lưu ý đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển xanh, bền vững. Khu kinh tế bao gồm tổng hòa nhiều vấn đề, từ đô thị đến công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đến y tế, giáo dục.
Những định hướng chiến lược đúng đắn, cộng với tinh thần dám nghĩ, dám làm đã đưa kinh tế, xã hội Hải Phòng đạt những thành tích nổi bật thời gian qua.
Dịp đầu năm 2024, trong buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định năm 2023, từ sự chung sức, đồng lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân dân thành phố đã đưa Hải Phòng trở thành một trong những địa phương đạt thành tựu xuất sắc như GDP đạt gấp đôi bình quân chung của cả nước và duy trì thành tích 9 năm liên tiếp, Hải Phòng đạt mức tăng trưởng trên 10%, thu hút đầu tư nước ngoài tăng 74% so với cùng kỳ, cải cách hành chính đứng thứ 3 cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống "Trung dũng-Quyết thắng," tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phải chủ động, sáng tạo, có nhiều giải pháp đột phá, quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Đảng bộ thành phố về xây dựng và phát triển thành phố thời gian tới, với mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngang với các thành phố tiêu biểu ở châu Á./.