Sự nguy hiểm của Oreshnik, quả tên lửa khiến Mỹ phải tính đối phó bằng hạt nhân

Đầu tháng 12, tình báo quân đội Anh đánh giá tên lửa đạn đạo Oreshnik là phiên bản sửa đổi của hệ thống tên lửa chiến lược Rubezh RS-26 được thử nghiệm lần đầu tiên năm 2011.

Bài viết mới đây trên tạp chí National Interest của nhà báo Brandon Weichert đưa ra ý tưởng rằng Mỹ có thể cân nhắc triển khai bom hạt nhân B-61 tại Ba Lan hoặc Ukraine nhằm đáp trả việc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo Oreshnik.

Vậy Oreshnik nguy hiểm đến mức nào mà Mỹ phải tính đến phương án răn đe hạt nhân để đối phó?

Đầu tháng 12, tình báo quân đội Anh nhận định rằng tên lửa đạn đạo Oreshnik là phiên bản cải tiến của hệ thống tên lửa chiến lược RS-26 Rubezh, lần đầu được thử nghiệm vào năm 2011.

Tuy nhiên, ngay cả RS-26 cũng vẫn là một ẩn số đối với phương Tây.

Theo báo chí phương Tây, RS-26 có trọng lượng khoảng 36 tấn, tầm bắn ước tính 5.800 km và khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Nếu tầm bắn vượt ngưỡng 6.000 km, nó sẽ được xếp vào loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Bộ Quốc phòng Anh trong một thông cáo đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) lưu ý rằng Nga có thể đã bắt đầu phát triển hệ thống này từ trước khi rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vào năm 2019. Phía Anh đánh giá Oreshnik thuộc loại tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) với tầm bắn từ 3.000 đến 5.500 km.

Trong một cuộc tấn công gần đây nhằm vào cơ sở tại Dnipro, Oreshnik bay hơn 800 km và cho thấy độ chính xác cao. Tên lửa này được cho là có khả năng mang đầu đạn gồm 36 quả đạn con, chia thành 6 nhóm, cho phép tấn công đồng thời nhiều mục tiêu khác nhau.

Ngày 22/11, chỉ một ngày sau vụ phóng tên lửa Oreshnik vào Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng loại tên lửa này không thể bị đánh chặn, nhờ vào tốc độ bay cực nhanh và cấu trúc đầu đạn. Oreshnik đạt vận tốc Mach 10, tương đương 10 lần tốc độ âm thanh (khoảng 2,5-3 km mỗi giây), và có khả năng cơ động trong khi bay, khiến việc theo dõi và đánh chặn trở nên gần như bất khả thi.

"Tôi xin nhấn mạnh rằng hiện không có bất kỳ biện pháp nào trên thế giới có thể đối phó với loại tên lửa này," ông Putin nói, đồng thời cho biết thêm Nga sẽ tiếp tục thử nghiệm và sản xuất hàng loạt Oreshnik.

Theo thông tin từ Cơ quan Tình báo Quân sự Ukraine (GUR), tên lửa Oreshnik mất 15 phút để bay từ bãi thử Kapustin Yar ở vùng Astrakhan đến Dnipro, cách đó khoảng 800 km, đạt tốc độ cuối vượt Mach 11.

Chuyên gia quân sự Viktor Baranets nhận định trên tờ Komsomolskaya Pravda rằng Oreshnik có thể mang từ 3 đến 6 đầu đạn. Trong khi đó, Igor Korotchenko, biên tập viên Tạp chí Quốc phòng tại Moskva, cho rằng đoạn video ghi lại cuộc tấn công cho thấy các đầu đạn của Oreshnik có khả năng dẫn đường độc lập. Ông Korotchenko gọi đây là một "kiệt tác" trong lĩnh vực chế tạo tên lửa nhiên liệu rắn hiện đại của Nga.

Hiệp ước INF, ký kết năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô, từng cam kết loại bỏ mọi tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Tuy nhiên, đến năm 2019, cả Washington và Moskva đều rút khỏi hiệp ước với cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận./.