Sống lại cảm xúc vinh quang tự hào trong "Việt Nam 1954-Vinh quang và nước mắt"

Phát hành dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, phim tài liệu "Việt Nam 1954-Vinh quang và nước mắt" khiến khán giả sống lại cảm xúc vinh quang tự hào của chiến thắng Điện Biên Phủ.

Phim tài liệu "Việt Nam 1954-Vinh quang và nước mắt" đã chính thức ra mắt công chúng vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong phim một lần nữa khán giả lại được sống lại cảm xúc vinh quang tự hào của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Nhưng lịch sử không phải là một con đường thẳng tắp mà là một con đường quanh co, khúc khuỷu, gập gềnh. Như Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh, cố vấn chính của bộ phim đã từng tâm sự với các đạo diễn của bộ phim rằng hơn 19 vạn liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới chỉ giải phóng được một nửa đất nước. Năm 1954 đã chứng kiến một trong những cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mà hậu quả của nó giờ đây vẫn là trở lực lớn nhất cho tiến trình hòa hợp, hòa giải dân tộc. Cả triệu người đã ngã xuống để hiện thực giấc mơ thống nhất đất nước.

Trong phim, Tiến sỹ Lê Kiên Thành, con trai của cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã nhận định rằng người Việt Nam đổ máu trên đất nước Việt Nam và tự quyết định vận mệnh của nước Việt Nam. Vinh quang này trước hết, trước nhất phải thuộc về những người mẹ. Bởi theo ông đó là những con người biết cách khóc, những người đã biết nuốt nước mắt vào trong vì đại cục, như lời bài hát Mẹ yêu con do nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã viết:
"Kháng chiến đã giành đất nước về cho đời
Bóng đất nước hình như bóng dáng con tôi."

Trong bối cảnh quốc tế phức tạp của năm 1954, lần đầu tiên thế giới chứng kiến một quốc gia nhỏ bé ngồi đàm phán với 5 cường quốc để đi đến việc kết thúc một cuộc chiến có sức ảnh hưởng Đông-Tây.

Điện Biên Phủ xét cho cùng là một địa danh xa xôi hẻo lánh và không gì có thể khiến 5 cường quốc cùng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngồi lại với nhau trừ khi các cường quốc có lợi ích vượt lên trên sự khác biệt.

Kết quả của Hội nghị Geneva về Đông Dương là việc Việt Nam tạm thời bị chia cắt ở vĩ tuyến 17, Đảng Lao động Việt Nam đã phải phải thay đổi khẩu hiệu đấu tranh từ Kháng chiến đến cùng sang khẩu hiệu "hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ."

Một hình ảnh trong phim. (Nguồn: Vietnam+)

Như Đại sứ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, một chuyên gia của bộ phim đã nhận định qua Hội nghị Geneva mình hiểu hơn là các nước nhỏ khi đàm phán vấn đề của mình phải có độc lập tự chủ. Trong các đàm phán đa biên giữa các nước lớn đấy thực chất là cuộc mua bán giữa các nước lớn với nhau. Cho nên đó là bài học lớn rút ra cho ngoại giao Việt Nam. Mà không phải chỉ cho ngoại giao Việt Nam mà cho các nước khác trên thế giới.

Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh toàn cầu, Nước Mỹ với lịch sử hơn 200 năm sau đó đã can dự trực tiếp vào một cuộc chiến tranh lâu dài với một dân tộc đã tốn kém cả ngàn năm chỉ để mài dũa và hoàn thiện “công nghệ giành độc lập.”

Trong khi các cường quốc sở hữu trong tay vũ khí nguyên tử vật lý thì dân tộc Việt Nam với ngọn cờ chính nghĩa trong tay đã kích hoạt thành công chuỗi phản ứng dây chuyền của lương tri nhân loại.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, người mà khi còn sống đã luôn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho đội ngũ làm phim của Media 21 trong việc cho ra đời những sản phẩm phim tài liệu lịch sử chính luận có chất lượng và khác biệt, đã kết phim bằng một phỏng vấn tâm huyết rằng mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi quốc gia đều có một quá khứ, một cái lịch sử hình thành, có một thực tiễn ngày hôm nay khác nhau. Và có một cái mơ ước, một cái khát vọng về tương lai khác nhau và mỗi nước tự tìm một con đường đúng nhất cho mình. Con đường ấy đem lại lợi ích của đất nước ấy, không gây phương hại cho nước khác thì Việt Nam chúng ta chọn con đường này và chúng ta phải kiên định với con đường ấy.

Khi xem phim, khán giả được sống lại cảm xúc vinh quang tự hào của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. (Nguồn: Vietnam+)

Với thời lượng 59 phút, bộ phim không đặt mục tiêu đi sâu và việc liệt kê, miêu tả chi tiết tất cả các sự kiện của năm 1954 mà tập trung vào việc tái hiện lại bối cảnh lịch sử và trật tự quan hệ khăng khít của các sự kiện lịch sử đó.

Thông qua việc khai thác khối tài liệu lưu trữ khổng lồ đã được giải mật trong hàng chục năm qua. Cùng một chuỗi các sự kiện lịch sử được sắp đặt theo một trật tự logic. Một bức tranh toàn cảnh sẽ ló rạng sau lớp sương mù của chiến tranh. Cho phép chúng ta tiệm cận đến những tính toán chiến lược ở cấp độ cao nhất.

Để hiểu tại sao lịch sử đã xảy ra như cách nó phải xảy ra và để thấy rằng sau 70 năm Việt Nam ngày nay đã ở một vị thế hoàn toàn khác so với năm 1954.

Kể từ khi nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời cho đến nay, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Nhưng vẫn còn xa mới xứng đáng với những sự hy sinh mất mát của các thế hệ đi trước. Lịch sử đã nhiều lần chứng kiến sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong thời chiến và lịch sử vẫn đang kiên nhẫn chờ thấy một nước Việt Nam hùng cường trong thời bình.

Đây là câu chuyện của năm 1954, năm của vinh quang và nước mắt./.