Sớm khắc phục triệt để tình trạng nhà loạn số ở Hà Nội
Tình trạng số nhà bị đánh, gắn loạn xạ vẫn xuất hiện ở nhiều nơi ở Hà Nội, trong đó tồn tại nhiều trường hợp số nhà "nhảy cóc" không theo trật tự, nhiều nhà có chung một số nhà.
Nhà loạn số, phố loạn tên là thực trạng nhức nhối đã diễn ra nhiều năm nay tại thành phố Hà Nội.
Để khắc phục triệt để tình trạng này, Bộ Xây dựng đã đề xuất các nguyên tắc thống nhất, chặt chẽ hơn tại dự thảo Thông tư quy định đánh số và gắn biển số nhà, dự kiến có hiệu lực trong tháng 8/2024, thay thế cho Quyết định 05/2006/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng.
Loạn biển số nhà
"Có những lúc tôi phải vòng đi vòng lại mấy lần để tìm đúng địa chỉ hoặc gọi khách hàng đứng ra vị trí nào dễ tìm nhất, nếu không rất khó để giao hàng. Việc đánh số nhà lung tung như thế này gây khó khăn cho những người làm nghề giao hàng hay xe ôm công nghệ như chúng tôi bởi phải tìm đúng địa chỉ của khách," anh Nguyễn Văn Sơn, nhân viên giao hàng đã có kinh nghiệm hoạt động lâu năm tại khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ.
Theo khảo sát thực tế, tình trạng số nhà bị đánh, gắn loạn xạ vẫn xuất hiện ở nhiều nơi. Các số nhà trên một số tuyến đường, phố của Hà Nội như Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy) tồn tại nhiều trường hợp số nhà "nhảy cóc" không theo trật tự, nhiều nhà có chung một số nhà; Hoàng Cầu và Nguyễn Hy Quang (quận Đống Đa) không chỉ trong tình trạng số nhà đánh tùm lum mà còn không có sự thống nhất trong biển số nhà của những đơn vị kinh doanh, buôn bán.
Một thực trạng khác, trên những tuyến đường này là việc số nhà được chính quyền địa phương đánh một kiểu, nhưng trên những tấm biển kinh doanh của người dân lại để một số nhà khác.
Chủ cửa hàng trên phố Nguyễn Hy Quang (quận Đống Đa) cho biết chính từ việc đánh số không theo quy luật diễn ra suốt nhiều năm nay trên tuyến đường này gây nhiều trở ngại cho việc kinh doanh của các chủ cửa hàng và cuộc sống của người dân. Trong khi, đường Nguyễn Hy Quang vốn là nơi tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang.
Chẳng hạn, một cửa hàng trong ngõ Hoàng Cầu được đánh số 29 trên tấm biển xanh, nhưng trên biển hiệu của cửa hàng lại ghi là số 69A và cạnh số nhà 91 lại là số 1. Hay trên đường Nguyễn Văn Huyên lại xuất hiện biển ngõ 196 đường Cầu Giấy...
Bàn về vấn đề loạn số nhà, đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, ông Phạm Hoàng Vũ cho hay trong quá trình thực hiện bản đồ số và địa chỉ số, đơn vị đã gặp nhiều khó khăn khi thu thập biển số tại các khu vực có địa chỉ không rõ ràng. Hơn nữa, bưu điện cũng là đơn vị chuyển phát nên hệ thống gặp không ít khó khăn khi phát hàng với những địa chỉ không đánh số nhà chính xác.
Quan tâm về đánh số nhà dự án khu đô thị, khu nhà ở và công tác quản lý, đại diện Ủy ban Nhân dân quận Long Biên cho biết trên địa bàn quận hiện có nhiều dự án mới, sau khi hoàn thành chủ đầu tư đưa vào sử dụng và bàn giao cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, hầu hết các dự án không thực hiện rà soát, đánh giá tên ngõ ngách, hẻm mà tự đánh, gắn biển số nhà, trong khi biển số nhà thuộc phạm vi khu vực do địa phương thực hiện.
Vì vậy, đơn vị chức năng của quận Long Biên đề xuất quy định trách nhiệm cụ thể của chủ đầu tư đối với việc đánh số nhà trước khi bàn giao dự án; chủ đầu tư lập phương án, chính quyền quận, huyện phê duyệt…
Hay tại đường Lạc Long Quân có một thực tế là thuộc địa phận của hai quận khác nhau là Cầu Giấy và Tây Hồ nên gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý.
Theo lãnh đạo quận Tây Hồ, quận sẽ chủ động trong thẩm quyền để rà soát lại tất cả các tuyến đường trên địa bàn. Tuyến đường nào chưa được đánh biển số theo quy định hiện hành sẽ tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.
Lý giải tồn tại trên, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng nguyên nhân của việc số nhà đánh không theo quy tắc là do người dân tự phát treo biển tên, gắn số nhà, hay khi chính quyền cấp số mới thì vẫn giữ lại số nhà cũ; một số tuyến đường được đặt tên nhưng chậm trễ gắn biển số. Việc đánh biển số nhà chưa được chuẩn hoá để đưa vào hệ thống quản lý của chính quyền địa phương.
Thời gian qua, mặc dù Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 04/2014 về việc ban hành Quy chế đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn. Song, thực tế sau 10 năm triển khai thực hiện quy chế này, số nhà vẫn đánh "loạn," chưa được khắc phục dứt điểm.
Đề xuất quy định mới về gắn biển số nhà
Hiện nay, việc gắn biển số nhà liên quan đến chức năng quản lý của nhiều bộ, ngành khác nhau, như việc đặt tên đường, tên phố thực hiện theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng và Thông tư 36/2006/TT-BVHTT hướng dẫn thực hiện Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
Bên cạnh đó, việc đánh số và gắn biển số nhà phải đáp ứng yêu cầu trong quản lý mới, đặc biệt là gắn với dữ liệu đồng bộ, liên thông đối với thông tin và dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, các thông tin cơ sở dữ liệu khác, hệ thống thông tin, địa chỉ số…, do đó rất cần sự hợp tác, phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị liên quan.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm nhận định việc số nhà của nhiều tuyến đường, phố bị đánh lộn xộn gây khó khăn trong việc quản lý về mặt an ninh, xã hội, cũng như cuộc sống của người dân. Do đó, việc đánh lại số nhà để tăng cường quản lý đô thị trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội là rất cần thiết.
Cũng từ thực tiễn đó, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sửa đổi quy định về đánh số và gắn biển số nhà, đảm bảo cơ sở pháp lý của quy định và các yêu cầu mới về việc tích hợp chia sẻ dữ liệu và quản lý mới.
Hiện, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định đánh số và gắn biển số nhà; đồng thời, đã triển khai lấy ý kiến đóng góp của người dân, từ ngày 10/5 đến 10/7/2024.
Theo đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), dự thảo đưa ra các nguyên tắc thống nhất trong việc đánh số và gắn biển số nhà nhằm khắc phục tình trạng "loạn" biển số nhà, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cùng việc quản lý của địa phương.
Dự thảo gồm 6 chương, 24 điều gồm các nội dung quy định cơ bản về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, tổ chức đánh số, gắn biển số nhà… Mặt khác, dự thảo quy định nguyên tắc mới về đánh số nhà riêng lẻ ở đường, phố, ngõ, ngách, hẻm và số căn hộ đối với nhà chung cư.
Cụ thể, trường hợp phải đánh lại số nhà, bao gồm nhà thuộc các tuyến giao thông đã đánh số nhà nhưng phát sinh nhiều nhà xây mới hoặc tồn tại nhiều số nhà tự phát; nhà nằm trên các tuyến giao thông đã đặt tên và đánh số nhà nhưng được mở rộng, cải tạo, số nhà cũ đã giải phóng mặt bằng; các ngõ được mở rộng thành đường, phố và được đặt tên cũng phải đánh lại số; nhà thuộc các tuyến đường, phố đã đánh số nhà nhưng được mở nối dài từ phía đầu đường mà phần nối dài đó không được đặt tên đường, phố mới; nhà tại các ngõ, ngách, hẻm của tuyến đường, phố khác có lối ra đường, phố mới mở rộng và được đặt tên.
Hay nhà thuộc các tuyến giao thông chưa có nhà xây liên tục và đoạn đường mới xây dựng kéo dài tuyến giao thông đã đánh số nhà được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định đánh lại số và gắn mới biển số nhà; nhà trên tuyến đường thuộc trường hợp một đường, phố cũ phân chia thành nhiều đường, phố mới hoặc nhiều đường, phố cũ được nhập thành đường phố mới. Các nhà chung cư sử dụng số căn hộ trái nguyên tắc đánh số quy định cũng thuộc trường hợp phải đánh lại số nhà.
Đối với các khu đô thị mới, các dự án đô thị mới, việc đánh và gắn biển số nhà của các khu chung cư, khu biệt thự, liền kề thấp tầng hay việc đặt tên đường phố trong các dự án phải thực hiện theo đặc thù của dự án đó.
Những khu dân cư và đường phố mới hình thành, dân cư không đầu tư xây dựng nhà ở liên tục và khu đất chưa có quy hoạch phân lô chi tiết thì việc đánh số và gắn biển số gặp khó khăn./.