Sớm bổ sung quy định bịt lỗ hổng quản lý đăng kiểm đường bộ
Cuối năm 2022, nhiều Trung tâm, nhiều lãnh đạo, đăng kiểm viên của các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại nhiều địa phương bị cơ quan Công an điều tra, khởi tố về các vi phạm trong công tác đăng kiểm.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Đăng kiểm Việt Nam diễn ra chiều 16/1, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, năm 2022, mạng lưới các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tiếp tục phát triển mạnh.
Hiện trên cả nước có 280 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm với 492 dây chuyền kiểm định tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước được trang bị thiết bị kiểm định hiện đại.
Tính đến ngày 30/11/2022, cả nước có hơn 5 triệu phương tiện được kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cấp 20 giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định cho các đơn vị kiểm định, thực hiện 251 lượt kiểm tra, đánh giá định kỳ duy trì các điều kiện hoạt động kiểm định các trung tâm đăng kiểm.
Trong năm 2022, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tại 50 đơn vị đăng kiểm.
Kết quả kiểm tra đã phát hiện và xử lý 11 đăng kiểm viên, đình chỉ hoạt động 2 tháng đối với 1 trung tâm đăng kiểm, không công nhận kết quả thực tập đối với 5 đăng kiểm viên.
Cuối năm 2022 nhiều Trung tâm, nhiều lãnh đạo, đăng kiểm viên của các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại nhiều địa phương bị cơ quan Công an điều tra, khởi tố về các vi phạm trong công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành. Qua đó đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
“Việc xử lý nghiêm các vi phạm của cá nhân, đơn vị đăng kiểm có tác dụng tốt trong việc duy trì kỷ cương làm việc, giáo dục và củng cố đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ, giúp nâng cao chất lượng hoạt động đăng kiểm,” ông Nguyễn Vũ Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Vũ Hải, năm 2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong kiểm định xe cơ giới, đề xuất bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng cường quản lý, siết chặt hơn nữa các điều kiện, quy định trong kiểm định, điều chỉnh lại những quy định còn bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi đi kiểm định.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động kiểm định đối với các đơn vị đăng kiểm qua camera; kiểm soát dữ liệu kiểm định các đơn vị đăng kiểm; thực hiện hiệu quả các biện pháp nâng cao chất lượng trong đăng kiểm; duy trì hệ thống các trung tâm đăng kiểm hoạt động ổn định.
[Khởi tố 4 vụ án với 18 bị can nhận hối lộ tại các trung tâm đăng kiểm]
Ngoài ra, sẽ tham gia xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); tiếp tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với các thủ tục cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới; nghiên cứu, nâng cấp, hiện đại hóa đăng kiểm và áp dụng các công nghệ mới trong kiểm định (công nghệ nhận diện biển số, công nghệ đo kích thước xe tự động, kiểm tra khí thải có tải...) để nâng cao chất lượng trong kiểm định và chặt chẽ trong quản lý; xây dựng mới Chương trình Quản lý kiểm định xe cơ giới.
Tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra liên ngành trong kiểm soát xe quá tải trọng, xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định và xe vi phạm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vẫn tham gia giao thông.
Đồng thời, đổi mới thiết bị, công nghệ có khả năng tự động hóa nhằm ngăn ngừa tác động của con người; kịp thời khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt trong phòng, chống tham nhũng; xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, gây rối nội bộ, làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ quan, đơn vị; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết kiệm trong chi tiêu, sử dụng phương tiện đi lại, thông tin liên lạc, văn phòng phẩm và các khoản chi tiêu khác, ông Nguyễn Vũ Hải cho hay.
Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác, nhưng 2022 là năm rất khó khăn của hệ thống đăng kiểm cả nước, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới đang lưu hành, đã cho thấy những hạn chế, yếu kém, bất cập trong tổ chức thực hiện đăng kiểm và chúng ta đã rút ra những bài học rất đắt giá.
"Với tinh thần không né tránh, nhìn thẳng vào sự thật, quyết tâm sửa chữa, khắc phục các sai lầm để khôi phục hình ảnh đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam mong muốn Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để Cục và các đơn vị đăng kiểm trong cả nước duy trì, củng cố hoạt động và hoàn thành được kế hoạch đã đặt ra trong năm 2023," ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh.
Trước đó, tại Hội nghị công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 diễn ra chiều 13/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua một số trung tâm đăng kiểm xe ôtô xảy ra tiêu cực, vì vậy cần rút kinh nghiệm, xem xét và tổ chức lại hoạt động đăng kiểm.
Hiện tại ôtô xếp hàng cả đêm chờ đăng kiểm, vì vậy cần đánh giá, kiểm điểm sâu sắc, xử lý sai phạm, đồng thời phải có tư duy và cách làm mới, không để xảy ra vụ việc này nữa.
Thời gian qua, cả nước đã có hơn 80 cá nhân vi phạm bị bắt giữ hoặc tạm giam để điều tra trong vụ án: "Môi giới hối lộ," "Đưa hối lộ," "Nhận hối lộ" và "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Ninh và Bắc Giang...
Ngày 11/1, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt giam để điều tra về tội nhận hối lộ đối với ông Đặng Việt Hà, Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh làm rõ nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường tại một số Trung tâm kiểm định các phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Phan Rang và chắc sẽ còn thêm nữa.
Sơ bộ ước tính có hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định phạm luật và các Trung tâm kiểm định này đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thu lợi hàng chục tỷ đồng.
Một số Trung tâm đăng kiểm này không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thành lập, lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ xe cơ giới.
Ví dụ, quy định phải có 3 kiểm định viên thì họ không có ai; thậm chí có giám đốc 1 Trung tâm kiểm định không viết được, không biết chữ, không đọc được. Hỏi ra thì khai mới học hết lớp 3 cách đây 50 năm. Đó là giám đốc Trung tâm kiểm định 50-17D Nhà Bè.
"Những hành vi như trên làm cho việc giám sát chất lượng, số lượng phương tiện an toàn giao thông bảo vệ môi trường bị ảnh hưởng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, xâm phạm đến trật tự quản lý công cộng, gây thiệt hại tài sản cho người dân, gây dư luận xấu cho xã hội, gây nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân," Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh./.