Số tài khoản chứng khoán mở mới quay đầu tăng mạnh trong tháng Năm
Tháng Năm vừa qua, nhà đầu tư trong nước mở mới 132.010 tài khoản, trong đó nhà đầu tư cá nhân 131.839 tài khoản; nhà đầu tư nước ngoài mở mới 210 tài khoản; trong đó nhà đầu tư cá nhân 217 tài khoản.
Theo Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong nước đã quay đầu tăng mạnh sau khi sụt giảm trong tháng trước đó.
Cụ thể, trong tháng Năm vừa qua, nhà đầu tư trong nước mở mới 132.010 tài khoản; trong đó nhà đầu tư cá nhân mở mới 131.839 tài khoản, nhà đầu tư tổ chức mở mới 171 tài khoản.
Mặc dù đã tăng mạnh trở lại nhưng số tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng Năm vừa qua vẫn thấp hơn so với con số của tháng Ba trước đó là 163.621 tài khoản.
Cũng trong tháng Năm vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 210 tài khoản; trong đó nhà đầu tư cá nhân mở mới 217 tài khoản trong khi nhà đầu tư tổ chức giảm 7 tài khoản.
Trong tháng Năm vừa qua, VN-Index đã tăng 5,9%, còn HNX-index tăng 8,9% và UPCoM-Index tăng 7,2% so với tháng trước đó.
Theo các chuyên gia, VN-Index tháng Năm vừa qua đã tăng so với tháng trước đó chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi nhuận ròng quý 1 vừa qua của các công ty niêm yết đạt 11,3% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi lực cầu bắt đáy khi thị trường có thời điểm sụt giảm hơn 100 điểm trong tháng Tư.
Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng 13%. Đáng chú ý, sự hồi phục của thị trường trong tháng Năm đi kèm với thanh khoản yếu cũng cho thấy cả bên mua và bên bán đều tương đối thận trọng do những yếu tố có thể gây rủi ro như áp lực tỷ giá leo thang và nền lãi suất trong nước tăng.
Giá trị giao dịch bình quân trên cả ba sàn giảm 10,6% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 71,2% so với cùng kỳ, xuống 23.100 tỷ đồng/phiên. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân trên HoSE đạt 20.200 tỷ đồng/phiên, giảm 9,6% so với tháng Tư trước đó; giá trị giao dịch bình quân trên HNX đạt 1.900 tỷ đồng/phiên, giảm 12,9% so với tháng trước đó; giá trị giao dịch bình quân trên UPCoM đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 53,9%.
Nhiều chuyên gia cho rằng giá trị giao dịch bình quân trên UPCoM tăng mạnh tới 53,9% so với tháng trước đó là nhờ động lực tích cực đến từ cổ phiếu BSR của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Cụ thể, với nền tảng tăng trưởng tốt trong năm ngoái, BSR đã có động lực tăng trưởng về dòng tiền và mức tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, ngày 28/3 vừa qua, BSR đã phê duyệt điều chỉnh Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tiến độ thực hiện dự án dự kiến là 37 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng EPC và đưa dự án vào vận hành trong năm 2028.
Sau khi hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ giúp nâng công suất chế biến dầu thô từ 148.000 thùng lên 171.000 thùng/ngày.
Ngoài ra, dự án cũng nâng cao chất lượng sản phẩm xăng, dầu đạt chuẩn EURO 5. BSR cũng chuyển đổi hướng kinh doanh mới sang lĩnh vực hóa dầu trong thời gian tới.
Một trong những vấn đề đáng chú ý khác trong năm nay của BSR là chuyển 3,1 tỷ cổ phiếu BSR (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam-Petrovietnam đang nắm gần 2,9 tỷ cổ phiếu BSR) từ sàn UPCoM sang niêm yết trên sàn HoSE. BSR cho biết sẽ tiếp tục triển khai việc này khi có đủ điều kiện, dự kiến trong năm nay.
Trên sàn chứng khoán, chốt phiên giao dịch cuối tuần trước vào ngày 7/6, cổ phiếu BSR đang dừng ở mức 23.700 đồng/cổ phiếu. Tính chung từ đầu năm đến nay, thị giá BSR tăng 28,11%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 23.700 đồng/cổ phiếu (ngày 6/6 vừa qua) và giá đóng cửa thấp nhất là 18.000 đồng/cổ phiếu (ngày 19/4 vừa qua)./.