Số doanh nghiệp phá sản ở Nhật Bản cao nhất trong 4 năm
Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao cùng với việc các doanh nghiệp thực hiện chính sách tăng lương cho người lao động gây ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận.
Số doanh nghiệp phá sản ở Nhật Bản trong năm 2023 đã tăng 35,2% so với năm liền kề trước đó, lên 8.690 doanh nghiệp - mức cao nhất trong vòng 4 năm qua.
Nguyên nhân chủ yếu là giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao cùng với việc các doanh nghiệp thực hiện chính sách tăng lương cho người lao động, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận.
Theo kết quả khảo sát mà cơ quan nghiên cứu Tokyo Shoko Research công bố ngày 15/1, các doanh nghiệp phá sản phải gánh khoản nợ ít nhất 10 triệu yen (68 triệu USD), chủ yếu là do phải trang trải chi phí vật liệu và lao động.
Trong số đó, có những doanh nghiệp trước đó đã phải chịu áp lực từ việc phải thanh toán các khoản vay theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.
Tokyo Shoko Research cho biết tất cả 10 danh mục ngành nghề được khảo sát đều cho thấy sự gia tăng số doanh nghiệp phá sản trong năm thứ hai liên tiếp. Lĩnh vực dịch vụ ghi nhận con số cao nhất với 2.940 trường hợp, tăng 41,7%.
Tiếp đến là ngành xây dựng với 1.693 trường hợp, tăng 41,8%.
Chi phí nhân công tăng do thiếu hụt lao động, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, cùng giá nguyên liệu thô và năng lượng tăng cao đã giáng một đòn mạnh vào các doanh nghiệp.
Tổng nợ các doanh nghiệp phải trả cũng tăng 3,1% lên 2.400 tỷ yen, đứng đầu là Panasonic Liquid Crystal Display - công ty con của tập điện tử nổi tiếng Panasonic. Tháng 9/2023, công ty này đã nộp đơn xin giải thể với khoản nợ lên tới 583,6 tỷ yen./.