Slovenia mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU
Tổng Giám đốc CCIS đánh giá hợp tác kinh tế giữa Slovenia và Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng và điều này được thể hiện rõ nét qua quan hệ thương mại và chính trị ngày càng được tăng cường.
Tổng Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovenia (CCIS) Vesna Nahtigal đề cập hàng loạt thuận lợi và những cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư, làm ăn tại Slovenia, một quốc gia có vị trí trung tâm châu Âu với nền kinh tế định hướng xuất khẩu cùng thế mạnh trong hàng loạt lĩnh vực như vận tải, logistics, kỹ thuật, dược phẩm... đồng thời có cảng Koper đóng vai trò là tuyến đường biển ngắn nhất để vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến các thị trường Trung và Đông Âu.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, Tổng Giám đốc CCIS đánh giá hợp tác kinh tế giữa Slovenia và Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng và điều này được thể hiện rõ nét qua quan hệ thương mại và chính trị ngày càng được tăng cường.
Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế Slovenia-Việt Nam đã đặt nền móng cho việc tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại và đầu tư ở cấp độ doanh nghiệp.
Bà Nahtigal cho biết thương mại song phương giữa Slovenia và Việt Nam tăng trưởng đều đặn. Năm 2023, Slovenia xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 70,5 triệu euro sang Việt Nam.
Ba nhóm sản phẩm xuất khẩu hàng đầu là dược phẩm bán lẻ, máy biến thế điện và các sản phẩm hoá chất khác, chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Slovenia sang Việt Nam. Trị giá hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Slovenia là 51,7 triệu euro.
Giày dép, càphê và vải mành lốp xe là 3 nhóm sản phẩm được nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam vào Slovenia năm 2023, chiếm gần 40% tổng kim ngạch nhập khẩu của Slovenia từ Việt Nam.
Tổng kim ngạch thương mại giữa Slovenia và Việt Nam đã tăng gần gấp ba trong bảy năm qua.
Tổng Giám đốc Nahtigal đánh giá các lĩnh vực hợp tác hứa hẹn nhất giữa Slovenia và Việt Nam là vận tải, logistics, kỹ thuật, các sản phẩm và dịch vụ máy móc, thiết bị và công nghệ môi trường, vốn là những trụ cột trong các sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu của Slovenia sang thị trường châu Á.
Đề cập những thuận lợi để hai nước tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, Tổng Giám đốc CCIS nhấn mạnh Slovenia, vốn là nền kinh tế định hướng xuất khẩu và hội nhập tốt vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, thấy rằng những điều kiện thuận lợi của EVFTA trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ và giảm thuế là vô cùng có lợi.
Hơn nữa, Slovenia rất mong chờ vào việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA), điều này sẽ cho phép thúc đẩy quan hệ đối tác đầu tư trong tương lai.
Theo bà, cùng với kim ngạch thương mại, tần suất các chuyến thăm các cấp và doanh nghiệp cũng như sự hiện diện của địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Đây cũng là bước đi đang được tăng cường.
Tổng Giám đốc CCIS lấy ví dụ về cảng Koper của Slovenia đóng vai trò là tuyến đường biển ngắn nhất để vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến các thị trường Trung và Đông Âu, cũng như ngược lại.
Điều này tối ưu hóa chi phí để tăng lưu lượng vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và khu vực này, được tăng cường hơn nữa nhờ lợi ích của EVFTA.
Bà Nahtigal cho biết nhằm xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực vận tải, logistics của Slovenia, dự kiến vào tháng 9 tới tại thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra 2 diễn đàn kinh doanh về các giải pháp chuỗi cung ứng hàng đầu cho hàng hóa Việt Nam sang Trung và Đông Âu.
Các sự kiện này do CCIS, Cơ quan Phát triển Kinh doanh SPIRIT Slovenia, Bộ Kinh tế, Du lịch và Thể thao và Bộ Ngoại giao Slovenia đồng tổ chức.
Mục tiêu chính của chương trình xúc tiến này là phát triển mối quan hệ kinh doanh với các công ty vận tải quốc tế và logistics có trụ sở tại Việt Nam, các công ty trong ngành và các bên liên quan, đồng thời giới thiệu các giải pháp chuỗi cung ứng toàn diện (cảng, hải quan, hàng hải và vận tải đường bộ tới điểm đến) cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi thị trường Trung và Đông Âu và hàng nhập khẩu từ thị trường Trung và Đông Âu về Việt Nam.
Tổng Giám đốc Nahtigal đánh giá cảng Koper cung cấp các kết nối trực tiếp tới các điểm đến quan trọng của EU, giảm đáng kể thời gian vận chuyển tổng thể và lượng khí thải carbon so với các tuyến đường truyền thống.
Hàng hóa vận chuyển qua Koper có thể đến các thành phố lớn ở Trung Âu, như Vienna (Áo), Budapest (Hungary), Bratislava (Slovakia), Munich (Đức), Praha (Cộng hòa Séc), Vacsava (Ba Lan) và Belgrade (Serbia), trong vòng 24 giờ.
Tương tự, từ cảng Koper có thể kết nối tới các trung tâm công nghiệp ở miền Bắc Italy như Milan và Turin trong vòng 6 giờ.
Hơn nữa, sự ổn định chính trị và quan hệ thương mại mạnh mẽ của Slovenia với EU mang lại môi trường đáng tin cậy cho các doanh nghiệp.
Đối với cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư, kinh doanh tại Slovenia, người đứng đầu CCIS cho rằng vị trí địa lý của Slovenia ở trung tâm châu Âu mang lại cho các nhà đầu tư nước ngoài những lợi thế chiến lược cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt đối với hàng hóa lưu chuyển giữa châu Âu và châu Á.
Cảng Koper mang lại lợi thế đáng kể về chi phí để cung cấp cho thị trường Trung và Đông Âu (Bắc Italy, Nam Đức, Áo, Slovakia, Cộng hòa Séc, Hungary, Croatia, Ba Lan...).
Do vị trí địa lý độc đáo và người dân Slovenia có khả năng thành thạo nhiều ngoại ngữ, Slovenia là một địa điểm kinh doanh lý tưởng, dù là giao thương Đông-Tây hay đặt trụ sở chính cho các hoạt động kinh doanh của công ty ở Trung, Đông Âu và Tây Balkan.
Tổng Giám đốc CCIS nhấn mạnh, việc mở rộng hoạt động kinh doanh của Việt Nam sang một thị trường chung có 450 triệu người tiêu dùng và 27,5 triệu doanh nghiệp của EU sẽ trở nên thuận lợi khi hợp tác với các công ty Slovenia.
Thúc đẩy Slovenia trở thành đối tác tại các thị trường mới nổi ở Tây Balkan là một bước đi phù hợp vì hiệu quả đã được chứng minh cùng hoạt động kinh doanh sôi động cũng như các mối quan hệ về lịch sử, chính trị và văn hoá trong khu vực.
Thị trường nội địa EU cho phép hàng hóa tự do di chuyển qua biên giới các nước thành viên. Bà Nahtigal cho biết hiện có một chế độ thuế hải quan chung đối với việc nhập khẩu hàng hóa từ các nước ngoài EU, không có thuế hải quan đối với hàng hóa di chuyển giữa Slovenia và các nước thành viên EU khác, và hàng hóa đã được nhập khẩu hợp pháp vào Slovenia có thể tiếp tục lưu thông khắp EU mà không cần kiểm tra hải quan thêm.
Bên cạnh đó, Slovenia có lợi thế cạnh tranh trong ngành kỹ thuật và dược phẩm và được xếp hạng là nước tiếp nhận FDI số một ở khu vực Trung và Đông Âu theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Đức-Slovenia./.