Sinh viên Việt Nam tìm hiểu về văn học Hàn Quốc qua hình thức sân khấu hóa
Cuộc thi Sân khấu hóa văn học Hàn Quốc nhằm đưa văn học "xứ kimchi" đến gần hơn với giới trẻ Việt Nam. Các thí sinh sẽ tái hiện các tác phẩm nổi tiếng thông qua hình thức diễn kịch.
Ngày 16/4, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Cuộc thi Sân khấu hóa văn học Hàn Quốc với sự phối hợp tham gia của sinh viên Việt Nam đang theo học ngành tiếng Hàn Quốc và ngành Hàn Quốc học.
Cuộc thi được tổ chức nhằm đưa văn học Hàn Quốc đến gần hơn với giới trẻ Việt Nam thông qua việc các bạn sinh viên sẽ hóa thân thành các nhân vật trong các tác phẩm văn học “xứ kimchi.”
Cuộc thi có sự tham gia biểu diễn của 14 đội thi đến từ 8 trường đại học trong khu vực Hà Nội. Các đội sẽ trình diễn tiểu phẩm dựa trên ấn tượng về các tác phẩm văn học cổ đại và cận đại của Hàn Quốc như: “Thần thoại Dangun,” “Kongjwi và Patjwi,” “Thẩm Thanh truyện,” “Xuân Hương truyện,” “Truyện Heung Bu Nol Bu,” “Truyện Hong Gil Dong,” “Một ngày may mắn,” “Khi hoa kiều mạch nở,” “Hoa trà”…
Ngoài ra, tới đây Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc sẽ tổ chức chương trình “Gặp gỡ tác giả Hàn Quốc” - nơi độc giả Việt Nam có cơ hội giao lưu, gặp gỡ và trò chuyện với các tác giả văn học đến từ Hàn Quốc.
Từ năm 2020 đến nay, qua chương trình “Hàn-Việt kết nối qua từng trang sách,” Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc đã tổ chức nhiều hoạt động như: Triển lãm sách, cuộc thi cảm nhận văn học Hàn Quốc, cuộc thi diễn kịch, câu lạc bộ văn học Hàn Quốc... nhằm kết nối văn học và sách Hàn Quốc với độc giả Việt Nam.
Chương trình đã giới thiệu nhiều tác giả có tác phẩm được độc giả Việt Nam yêu thích như Hwang Sun-mi với tác phẩm “Cô gà mái xổng chuồng,” Rando Kim với tác phẩm “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu,” Cho Chang In với tác phẩm “Bố con cá gai” và Kim Ae Ran với tiểu thuyết “Những tháng năm rực rỡ”./.