Sinh viên quốc tế hào hứng tranh tài với cuộc thi Hùng biện tiếng Việt
Cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam năm 2023 đã thu hút sự tham gia của sinh viên quốc tế đến từ 65 cơ sở giáo dục trên cả nước.
Sáng nay, 28/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khai mạc vòng sơ khảo khu vực phía Bắc cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam năm 2023.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết tiếp nối thành công của cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt dành cho lưu học sinh Lào năm 2019”, cuộc thi năm 2023 với quy mô mở rộng hơn, trở thành nơi tề tựu và giao lưu cho tất cả lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, cơ sở đào tạo dự bị tiếng Việt của Việt Nam.
Cuộc thi nhằm tăng cường giao lưu văn hóa Việt Nam với các nước trên thế giới, tạo dựng sân chơi, giúp tăng cường nâng cao trình độ tiếng Việt cho lưu học sinh ngoài thời gian học tập và sinh sống tại Việt Nam đồng thời góp phần quảng bá giáo dục, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Thông qua đó thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế, khích lệ tinh thần thi đua trong học tập trong các sinh viên.
Với chủ đề “Việt Nam trong tôi", các lưu học sinh nước ngoài tham dự cuộc thi sẽ chia sẻ bằng tiếng Việt những hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; những kỷ niệm sâu sắc về cuộc sống, học tập và sinh hoạt tại Việt Nam; về tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với đất nước của lưu học sinh.
Được phát động từ tháng 8/2023, Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam” năm 2023 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các cơ sở đào tạo khắp mọi miền của đất nước, của các lưu học sinh nước ngoài với sự đa dạng về quốc tịch với 65 cơ sở đào tạo trong cả nước, từ 29 tỉnh/thành phố đăng ký tham gia.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định đây là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về mối quan tâm sâu sắc và tình yêu của bạn bè quốc tế đối với đất nước, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
[Cuộc thi “Em siêu Tiếng Việt” dành cho trẻ em tại Australia]
“Tôi tin rằng, mỗi tiết mục dự thi ngày hôm nay là sự sáng tạo độc đáo, tạo dấu ấn, không chỉ với các em lưu học sinh nước ngoài mà với tất cả khán giả, những người theo dõi cuộc thi, những người Việt Nam, để thấy được đất nước Việt Nam qua những lăng kính nhiều chiều, để thêm yêu và thêm hiểu về chính đất nước mình. Cuộc thi này sẽ trở thành động lực thúc đẩy việc dạy và học tiếng Việt, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo tiếng Việt nói riêng,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.
Là sinh viên đại diện cho Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên hùng biện, sinh viên Phonesavath Philarmarkhoth, lưu học sinh Lào, cho biết em cảm thấy rất hồi hộp khi lần đầu tiên tham gia cuộc thi với quy mô lớn.
“Em rất vui vì đây là cơ hội để em có thể rèn luyện khả năng nói tiếng Việt, khả năng thuyết trình và học hỏi nhiều kỹ năng khác. Đây thực sự là sân chơi rất bổ ích cho các sinh viên quốc tế như em,” Phonesavath Philarmarkhoth chia sẻ.
“Bật mí” trước giờ thi, Phonesavath Philarmarkhoth cho hay em sẽ chia sẻ câu chuyện của bản thân về kỳ niệm được trải nghiệm Tết Nguyên đán cổ truyền của Việt Nam với những đặc trưng văn hóa truyền thống riêng, được ăn bánh chưng, cảm nhận sự ấm cúng của tình đoàn kết, yêu thương. Em cũng sẽ mang đến câu chuyện cảm động về sự chăm sóc tận tình, chu đáo, kịp thời của thầy cô giáo và các bạn Việt Nam khi một người bạn sinh viên Lào của em bất ngờ bị đau dạ dày.
“Dù sống và học tập xa nhà, ở một quốc gia khác nhưng chúng em luôn nhận được sự quan tâm của các thầy cô, các bạn Việt Nam. Chúng em luôn biết ơn và trân trọng, cảm thấy hạnh phúc khi được học tập tại đây,” Phonesavath Philarmarkhoth xúc động nói.
Theo ban tổ chức, Vòng sơ khảo khu vực và Vòng chung kết toàn quốc của cuộc thi được tổ chức theo hình thức thi tập trung. Trong đó, Vòng sơ khảo tổ chức tại 3 cụm thi: Cụm 1 (khu vực miền Bắc) gồm 36 đội, Cụm 2 (khu vực miền Trung) gồm 16 đội, Cụm 3 (khu vực miền Nam) gồm 13 đội.
Vòng chung kết toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 1/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh với dự tham gia của 12 đội thi xuất sắc được lựa chọn từ 3 cụm thi.
Với hình thức thi hùng biện, mỗi đội thi được lựa chọn 2-3 thí sinh hùng biện chính, thời gian trình bày tối đa cho mỗi phần thi là 7 phút. Các thí sinh sẽ trình bày phần thi hùng biện của mình bằng tiếng Việt với chủ đề tự chọn, đồng thời có thể sử dụng các hình thức minh họa kèm theo để tăng tính hấp dẫn, thuyết phục cho phần thi.
Ban tổ chức sẽ trao tổng cộng 60 giải thưởng bao gồm 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba và 24 giải Khuyến khích cho 4 bảng thi của 3 cụm thi Vòng sơ khảo; 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 6 giải Khuyến khích tại Vòng chung kết. Các đội đoạt giải được nhận tiền thưởng, Cờ giải thưởng và Giấy chứng nhận.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 22.00 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam. Trong 5 năm (2016-2022), Việt Nam có 155 cơ sở giáo dục tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trung bình, hàng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 lưu học sinh được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục của Việt Nam, trong số đó phần lớn các lưu học sinh vào học tiếng Việt/Việt Nam học, các ngành đào tạo bằng tiếng Việt. Do đó, các em cần sử dụng tiếng Việt trong cuộc sống và học tập.
Mặc dù có những khó khăn ban đầu về ngôn ngữ, điều kiện sinh hoạt nhưng với sự giúp đỡ nhiệt tình của đội ngũ giảng viên, sinh viên và người dân Việt Nam cùng với sự chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục trong việc tổ chức các hoạt động đào tạo, lưu học sinh nước ngoài đều đã vượt qua rào cản khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, hoàn thành chương trình học. Mỗi lưu học sinh nước ngoài khi trở về nước đều phát huy được kiến thức, kỹ năng đã học tập, rèn luyện tại Việt Nam và thực sự trở thành cầu nối cho tình hữu giữa Việt Nam với các nước./.