Singapore thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó lạm phát
Trong một tuyên bố, MAS khẳng định "động thái chính sách này, dựa trên các động thái thắt chặt trước đây, sẽ giúp làm chậm đà tăng của lạm phát và đảm bảo ổn định giá cả trong trung hạn.”
Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) ngày 14/7 đã thắt chặt chính sách, tạo điều kiện cho đồng dollar Singapore (SGD) mạnh hơn nhằm đối phó với tác động của việc tăng giá.
Trong một tuyên bố, MAS khẳng định "động thái chính sách này, dựa trên các động thái thắt chặt trước đây, sẽ giúp làm chậm đà tăng của lạm phát và đảm bảo ổn định giá cả trong trung hạn.”
Tuy nhiên, cơ quan này dự báo trong ngắn hạn, lạm phát cơ bản có thể tăng trên 4%, cao hơn mức dự báo trước đó là từ 2,5-3,5% cho năm nay.
Đây là lần thứ tư MAS thắt chặt chính sách kể từ tháng 10/2021 và là lần thứ hai kể từ tháng 1/2022. Cơ quan này đang trong tiến trình từng bước thắt chặt chính sách tiền tệ do lạm phát gia tăng và phục hồi kinh tế ổn định.
[Giới phân tích hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Singapore]
Giá hàng hóa và dịch vụ đã "leo dốc" trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn do cuộc xung đột ở Ukraine và phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Theo MAS, kinh tế Singapore vẫn đang trên đà tăng trưởng, dù tốc độ có chậm lại.
Cùng ngày, Chính phủ Singapore công bố các số liệu thống kê cho thấy kinh tế nước này trong quý 2/2022 tăng trưởng chậm hơn dự báo, phản ánh nhu cầu nội địa và toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ yếu trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Theo thông báo của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), trong quý 2/2022, kinh tế Singapore đạt mức tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhờ lĩnh vực sản xuất.
Con số này thấp hơn so với dự báo 5,4% mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc thăm dò trước đó của Bloomberg. So với quý đầu tiên và trên cơ sở điều chỉnh theo mùa hằng quý, nền kinh tế Singapore không tăng trưởng trong quý 2/2022.
Thống kê của MTI cho thấy trong quý 2/2022, lĩnh vực sản xuất của Singapore đạt mức tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhỉnh hơn chút ít so với mức tăng 7,9% của quý trước. Lĩnh vực xây dựng tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh hơn mức tăng 1,8% của quý 1/2022.
Cũng trong ngày 14/7, MTI đã điều chỉnh nâng mức tăng trưởng trong quý 1/2022 lên 4% so với cùng kỳ năm trước, từ mức ước tính trước đó là 3,7%, nhờ lĩnh vực xây dựng và dịch vụ tốt hơn.
Tháng Tư vừa qua, MTI vẫn giữ dự báo tăng trưởng kinh tế từ 3-5% trong năm 2022, song cảnh báo quy mô tăng trưởng có thể chỉ ở mức dưới của dự báo do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và việc Trung Quốc phong tỏa nghiêm ngặt nhằm phòng, chống COVID-19./.