SEA Games 32: Kình ngư Huy Hoàng - Biểu tượng mới của đường đua xanh
Với tổng số 8 Huy chương Vàng đã giành được tại 3 kỳ SEA Games, Nguyễn Huy Hoàng đã trở thành nam kình ngư xuất sắc nhất trong lịch sử bơi lội của Việt Nam trong các cuộc thi đấu ở khu vực.
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, người nhận trọng trách cầm cờ của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, sẽ thi đấu kỳ đại hội thể thao khu vực lần thứ 4 trong sự nghiệp của mình với khát vọng khẳng định chính mình trong vai trò biểu tượng mới trên đường đua xanh.
Kể từ thời điểm "cô gái thép" Ánh Viên chia tay Đội tuyển Quốc gia từ trước thềm SEA Games 31, Huy Hoàng đã trở thành trụ cột của đội tuyển bơi quốc gia.
Thành tích giành 5 Huy chương Vàng (4 Huy chương Vàng cá nhân 1.500m tự do, 800m tự do, 400m tự do, 200m bướm và 1 Huy chương Vàng nội dung tiếp sức 4x200m nam) của kình ngư người Quảng Bình này đã đóng góp đáng kể vào thành tích chung 11 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng mà đội tuyển bơi giành được tại kỳ đại hội thể thao khu vực được tổ chức trên sân nhà.
Với tổng số 8 Huy chương Vàng đã giành được tại 3 kỳ SEA Games 29, 30 và 31, ở tuổi 22, Nguyễn Huy Hoàng đã trở thành nam kình ngư xuất sắc nhất trong lịch sử bơi lội của Việt Nam trong các cuộc thi đấu ở khu vực.
Ngoài ra, danh hiệu vận động viên xuất sắc nhất SEA Games 31 (cùng Nguyễn Thị Oanh, Joshua Robert Atkinson, Jing Wen Quah) đã khẳng định Nguyễn Huy Hoàng là một trong những gương mặt sáng giá và có nhiều triển vọng của Đoàn Thể thao Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
SEA Games 32 là kỳ đại hội khu vực thứ 4, đánh dấu một cột mốc mới trong sự nghiệp thi đấu của Huy Hoàng. Không còn bỡ ngỡ, rụt rè như lần giành tấm Huy chương Vàng đầu tiên trên đất Malaysia hồi năm 2017 hay vỡ òa trong cảm giác sung sướng với cú đúp tại Philippines 2 năm sau đó.
Giờ đây, với vai trò trụ cột ở đội tuyển bơi quốc gia, Huy Hoàng đến Campuchia với tâm thế khác biệt, với sự trưởng thành về chuyên môn và tràn đầy tự tin trước khi bước vào cuộc thi đấu.
Sau chuyến tập huấn tại Hungary, Huy Hoàng chia sẻ: "Tôi không có bất cứ áp lực nào về thành tích và đặt ra mục tiêu bảo vệ những gì mình đã giành được tại SEA Games 31. Đáng tiếc là nội dung 800m tự do không có trong chương trình thi đấu, điều đó khiến tôi phải nỗ lực hơn trong các cuộc thi đấu còn lại để giành được thành tích tốt nhất có thể."
Huy Hoàng đang được nhiều người nhắc đến hay chính xác hơn là kỳ vọng sẽ thế chỗ của Ánh Viên trong vai trò của một biểu tượng trên đường đua xanh của bơi lội Việt Nam.
Không thể so sánh về số lượng Huy chương Vàng ở SEA Games mà 2 kình ngư giành được, bởi sở trường của Ánh Viên là ở nhóm cự ly 200m, 400m và kiểu bơi hỗn hợp nên có thể thi đấu nhiều nội dung.
Trong khi đó, sở trường của Huy Hoàng là cự ly 800m, 1.500m và kiểu bơi tự do nên việc giành số lượng huy chương như Ánh Viên ở một kỳ đại hội là điều không thể.
Điểm tương đồng duy nhất giữa hai kình ngư là nỗ lực trong tập luyện và thành quả đạt được trong hành trình vươn ra biển lớn.
[Nguyễn Huy Hoàng được chọn cầm quốc kỳ Việt Nam tại SEA Games 32]
Xuất phát điểm của Huy Hoàng cũng không giống Ánh Viên. Những gì mà Huy Hoàng đã và đang sở hữu là kết quả của một quá trình khổ luyện với rất nhiều gian truân.
Trước hết là để khỏa lấp những hạn chế về thể hình, sau đó là rèn luyện kỹ thuật và tích lũy thể lực để có thể giành huy chương trong các cuộc thi đấu ở SEA Games, ASIAD và Olympic trẻ.
SEA Games 32 sẽ là bệ phóng để Huy Hoàng vươn lên, từ vị trí của một trụ cột của đội tuyển quốc gia, một kình ngư xuất sắc trở thành biểu tượng trên đường đua xanh của bơi lội Việt Nam như hình ảnh của Ánh Viên tại các kỳ đại hội trước đây.
Để điều đó thành hiện thực, ngoài việc hoàn thành chỉ tiêu về số lượng Huy chương Vàng, điều giới chuyên môn kỳ vọng là sự đột phá về thành tích để thắp lên hi vọng ở các đấu trường ngoài khu vực.
Và sẽ chẳng có gì tuyệt vời hơn nếu trong cuộc thi đấu tại SEA Games 32, kình ngư người Quảng Bình này mang về tấm vé dự Olympic 2024 - đấu trường quy tụ tất cả những kình ngư xuất sắc nhất trên thế giới./.