Sẽ mở rộng thí điểm hơn 3.300ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ Đông Xuân

Theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đến nay, Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao đã triển khai được gần 1 năm và cho những tín hiệu rất khả quan.

Ước tính lúa tham gia canh tác thí điểm Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao cho năng suất cao hơn khoảng 20% so với canh lúa truyền thống. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Trên cơ sở kết quả mô hình trình diễn ở vụ Hè Thu 2024 và Thu Đông 2024 tại 5 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp), các địa phương dự kiến mở rộng mô hình trình diễn thí điểm Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" ra nhiều huyện, thị xã trong vụ Đông Xuân 2024-2025.

Vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 được thí điểm ở 65 mô hình trên diện tích khoảng 3.344ha, với kinh phí từ nhiều nguồn gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nguồn vốn ngân sách địa phương.

Dự kiến, lịch gieo sạ vụ Đông Xuân 2024-2025 từ tháng 10-12/2024. Các tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Để thực hiện thành công vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt lưu ý các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước trong vụ Đông Xuân để chủ động sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra; xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn, kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn, thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô.

Các địa phương chú ý theo dõi diễn biến của lũ, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa, tập trung gieo sạ vụ Thu Đông sớm, lưu ý đến lịch gieo sạ vụ Đông Xuân 2024-2025.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo và bám sát việc thực hiện các mô hình theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp, tổ chức sản xuất cơ giới hóa đồng bộ bao gồm các khâu: làm đất, san phẳng mặt ruộng, gieo sạ, phun thuốc, thu hoạch, thu gom rơm ra khỏi ruộng... đồng thời đánh giá, rà soát quy trình canh tác trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các mô hình điểm.

Các tỉnh, thành phố tiếp tục đào tạo, tập huấn cho đại diện cán bộ quản lý, kỹ thuật, cán bộ trẻ thí điểm làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp, thành viên của một số tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp tham gia; hỗ trợ hợp tác xã áp dụng phần mềm nhật ký sản xuất, truy xuất nguồn gốc, quản lý hợp tác xã.

Năm 2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 5 tỉnh, thành đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Trong vụ Hè Thu 2024, chỉ có tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ thực hiện thí điểm 4 mô hình với diện tích 196ha. Sang vụ Thu Đông 2024, đã có 4 tỉnh, thành thực hiện thí điểm 4 mô hình với diện tích trên 156ha.

Thu hoạch lúa chất lượng cao. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đến thời điểm hiện tại, Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao đã triển khai được gần một năm và cho những tín hiệu rất khả quan.

Theo báo cáo từ các địa phương triển khai các mô hình thí điểm, năng suất các mô hình vụ Hè Thu 2024 đạt từ 63-66 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 3-5 tạ/ha, vụ Thu đông đạt từ 62-65 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 2-4 tạ/ha.

Tổng chi phí đầu vào giảm 10-15% so với ruộng đối chứng, giảm 40-50% lượng giống gieo sạ, giảm 3-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới khoảng 30-40%. Hiệu quả kinh tế của các mô hình làm thí điểm tăng từ 2,3-7,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình, giảm phát thải khí nhà kính từ 4-12 tấn CO2 tương đương/ha/năm./.