Sản phụ bị băng huyết sau sinh tử vong do thiếu nhóm máu hiếm để truyền

Sau khi sinh thường bé gái nặng 3kg (sinh năm 1992), sản phụ N.T.T.D bị băng huyết sau sinh do đờ tử cung, mất máu mức độ nặng - nhóm máu hiếm (Rh-).

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười (thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cho biết Hội đồng chuyên môn của bệnh viện cùng một số cán bộ chuyên khoa sâu thuộc lĩnh vực sản, truyền máu huyết học và hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp vừa họp để phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm trường hợp tai biến sản khoa tại đơn vị khiến một sản phụ tử vong vì băng huyết sau sinh.

Sau khi được các êkíp trực báo cáo toàn bộ quá trình tiếp nhận bệnh nhân và diễn biến đến khi chuyển viện, Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười phân tích, đánh giá, chẩn đoán xác định nguyên nhân tử vong của sản phụ là băng huyết sau sinh do đờ tử cung (là con sinh lần 3 và sinh thường), mất máu mức độ nặng - nhóm máu hiếm (Rh-).

Theo Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười, êkíp trực với tinh thần trách nhiệm đã tiếp nhận, thăm khám, theo dõi sát quá trình chuyển dạ và sinh thường thành công bé gái 3kg; chủ động hội chẩn đánh giá sản phụ có nguy cơ cao vì nhóm máu hiếm (Rh-) và đưa ra phương án chuyển viện khi có diễn biến bất thường.

Khi sản phụ có diễn biến nặng, bệnh viện huy động toàn lực để cấp cứu bệnh nhân và cử êkíp bác sỹ, nữ hộ sinh có kinh nghiệm hộ tống trên đường chuyển viện lên tuyến trên. Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười chủ động liên hệ Trung tâm Truyền máu huyết học Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cung ứng máu nhưng vẫn không có nhóm máu hiếm Rh-.

Tuy nhiên, Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười đánh giá, êkíp trực chưa giải thích cho sản phụ và gia đình trường hợp bệnh nhân có nhóm máu hiếm để hợp tác trong quá trình điều trị nên gây ra sự phản ánh; chậm khởi động hệ thống “báo động đỏ” cho toàn viện và ngoại viện khi có trường hợp khó, cần hỗ trợ khẩn cấp.

Bên cạnh đó, bệnh diễn biến quá nhanh, lần đầu tiên cấp cứu bệnh nhân nhóm máu hiếm, êkíp thiếu kinh nghiệm xử lý. Tình hình khan hiếm lượng máu rhesus âm trong toàn tỉnh và khu vực gây khó khăn trong cấp cứu bệnh nhân.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười Nguyễn Văn Bé, lúc 23 giờ ngày 16/3, Khoa sản của bệnh viện tiếp nhận sản phụ N.T.T.D (sinh năm 1992, trú tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười) nhập viện với lý do ra nhớt hồng âm đạo.

Về tiền sử, sản phụ đã sinh thường 2 lần tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười vào năm 2014, 2017 và nhập viện sinh con lần thứ 3. Sản phụ được êkíp trực thăm khám toàn diện, xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán lúc vào viện là mang thai khoảng 39 tuần 1 ngày.

Sau khi có kết quả xét nghiệm bệnh nhân nhóm máu A rhesus âm, êkíp trực hội chẩn, đánh giá tình trạng bệnh nhân đã sinh thường 2 lần an toàn tại bệnh viện và đưa ra phương án sẽ chuyển viện khi có diễn biến.

Đến 9 giờ ngày 17/3, sản phụ bắt đầu chuyển dạ. Lúc 10 giờ 10 cùng ngày, sản phụ sinh thường bé gái nặng 3kg. Khoảng 25 phút sau đó, bệnh nhân ra huyết âm đạo lượng nhiều, tụt huyết áp. Sau khi kiểm tra và thăm khám kỹ lưỡng, sản phụ được chẩn đoán là băng huyết sau sinh do đờ tử cung gây mất máu nặng - nhóm máu hiếm (Rh-).

Êkíp trực báo động, lãnh đạo bệnh viện huy động toàn lực, điều động các bác sỹ có kinh nghiệm chuyên sâu về sản, hồi sức, xét nghiệm hỗ trợ, đồng thời liên hệ Trung tâm Truyền máu huyết học Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp để tiếp ứng máu nhưng không có nhóm máu Rh-.

Bệnh viện cấp cứu bằng các phương tiện hiện có: dịch truyền, cao phân tử… và liên hệ chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên; cử êkíp bác sỹ cấp cứu, nữ hộ sinh hỗ trợ bệnh nhân trên đường chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp nhưng không cứu được sản phụ.

Sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm những mặt hạn chế mà Hội đồng chuyên môn chỉ ra nhằm nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm trong xử lý cấp cứu những tai biến sản khoa, đặc biệt là băng huyết sau sinh./.