Sản phẩm văn hóa: Cần được coi như hàng hóa lưu thông trên thị trường
Để phát triển công nghiệp văn hóa, Việt Nam cần công nhận sản phẩm văn hoá như hàng hoá lưu thông trên thị trường. Tuy vậy, chúng ta không thể chạy theo lợi ích kinh tế mà coi nhẹ văn hóa.
Việt Nam cần thừa nhận sự vận hành của thị trường văn hoá phẩm, công nhận sản phẩm văn hoá như hàng hoá được lưu thông trên thị trường thì mới phát triển được công nghiệp văn hóa.
Đó là quan điểm của Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Liên, Học viện Chính trị khu vực II trong tham luận tại Hội thảo khoa học “Phát triển khoa học lý luận chính trị theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức ngày 7/9 tại Hà Nội.
Bàn về “Phát triển công nghiệp văn hóa theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng,” Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Liên cho hay trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa nhưng đã có diễn đạt thể hiện cách thức và mức độ tiếp cận mới, đặt ra yêu cầu cụ thể hơn.
Văn kiện Đại hội XIII đã xác định rõ nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hoá, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới.”
Trên cơ sở đó, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Liên cho rằng Việt Nam cần: Một là, thừa nhận có thị trường văn hoá phẩm và công nhận sản phẩm văn hoá như là hàng hoá được lưu thông trên thị trường. Hai là tạo điều kiện cho thị trường văn hoá phẩm vận thông trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước bằng chính sách kinh tế trong văn hoá và chính sách văn hoá trong kinh tế. Ba là thông qua một số chính sách cụ thể, khuyến khích ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
[Việt Nam-Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác ở lĩnh vực truyện tranh trực tuyến]
Chia sẻ về giải pháp cụ thể, bà Liên cho rằng các ban ngành cần nhận thức đầy đủ về nội hàm và vai trò của công nghiệp văn hóa để triển khai có trọng tâm, trọng điểm những lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ đã ký.
"Các địa phương cần phải xác định rõ thế mạnh, tiềm năng của mình, chẳng hạn có nơi có thế mạnh về các di sản phong phú, có địa phương nhiều danh lam thắng cảnh, hay làng nghề truyền thống để phát triển thủ công mỹ nghệ; ở đô thị thì có thế mạnh quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, trò chơi điện tử,” bà Liên phân tích.
Cùng với đó, công nghiệp văn hóa Việt Nam cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các kênh ngoại giao văn hóa, truyền thông, du lịch. Sau cùng, các doanh nghiệp cần tăng cường tiếp thu, áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến.
“Là nước đi sau trong công nghiệp văn hóa, chúng ta phải tận dụng những thành quả của cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại, thực hiện chiến lược ‘đi tắt đón đầu’nhằm tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong việc xây dựng nền công nghiệp văn hóa hiện đại mang bản sắc Việt Nam,” bà Liên cho hay.
Về vấn đề này, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Thúc Lân, Tổ trưởng Tổ Lý luận, Đại học Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh việc xử lý mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội, khắc phục xu hướng “duy kinh tế,” chạy theo lợi ích kinh tế mà coi nhẹ văn hóa.
Theo ông Lân, văn hóa và con người Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần dân tộc, ý chí độc lập, tự cường và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
“Đảng ta chỉ rõ đây là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ tri thức giữ vai trò quan trọng. Đây là những quan điểm có ý nghĩa chiến lược cơ bản và lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa và con người Việt Nam,” ông Hoàng Thúc Lân nói./.