Sách song ngữ Việt-Pháp tôn vinh kiến trúc Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử

Cuốn sách đưa độc giả đến với những công trình đặc sắc, những di sản kiến trúc giàu giá trị trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 của Hà Nội.

Cuốn sách dày hơn 300 trang, được in song ngữ Việt-Pháp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt-Pháp” có thể xem như một sử ký về Thủ đô được viết bằng ngôn ngữ của nghệ thuật kiến trúc.

Sách ra mắt ngày 6/12, đưa người đọc du hành ngược thời gian, trở về với Hà Nội của thế kỷ 19-20, đến thăm những công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố.

Tác phẩm in song ngữ Việt-Pháp, được chia thành 3 phần: Kiến trúc Thăng Long-Hà Nội xưa; Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc với những phong cách điển hình; Kiến trúc Hà Nội sau năm 1954.

Dự án do Nhà xuất bản Thế giới và Phanbook liên kết xuất bản; Tiến sỹ, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư Trần Quốc Bảo viết tiếng Việt, dịch giả Thẩm Yến Linh chuyển ngữ tiếng Pháp, phần hình ảnh chủ đạo do nhiếp ảnh gia Lê Hoàng thực hiện. Chủ nhiệm dự án là bà Trần Hải Anh. Đơn vị chủ trì dự án là Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA.

Khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tiến sỹ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam viết trong lời mở đầu của cuốn sách: “Với cách thể hiện cô đọng, xuyên suốt, mô tả khá rõ con đường thăng trầm đã đi qua của kiến trúc Hà Nội, cùng với năng lực và tâm can của người viết, cuốn sách này đã đạt được mục đích: Đóng góp nhành hoa quý trong vườn hoa văn hóa xứ sở ngàn năm văn hiến, góp phần hữu ích cho sự cảm nhận chuyên môn sâu sắc.”

Trong khi đó, kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích Việt Nam nhận định cuốn sách này sẽ đưa chúng ta đến với những công trình đặc sắc, những di sản kiến trúc giàu giá trị trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 của Hà Nội. Chúng không chỉ đang giữ những chức năng quan trọng, là nhân tố góp phần hình thành vẻ đẹp kiến trúc, đô thị mà còn tạo nên khuôn hình vĩnh cửu của ký ức, điểm tựa vững chắc cho phát triển tương lai.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA cho rằng mục tiêu lớn nhất của cuốn sách là lan tỏa tình yêu Hà Nội, nâng cao nhận thức của mọi người về giữ gìn những di sản văn hóa kiến trúc của Thủ đô. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo các chuyên gia nhận định, từ nền tảng cội nguồn kiến trúc Thăng Long-Hà Nội ở thế kỷ 18 trở về trước với thành quách “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,” sự chuyển mình hội nhập, tiếp thu lối nghệ thuật tinh hoa của kiến trúc phương Tây ở thời kỳ Pháp thuộc như Beaux-Arts, Art Décor, Gothique… cho đến sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc thế giới với văn hóa bản địa…, mỗi cứ liệu lịch sử kiến trúc được các tác giả diễn giải một cách dễ hiểu và giàu cảm xúc.

Độc giả sẽ thấy trong sự tráng lệ vốn là điển hình cho phong cách Beaux-Arts của Phủ Chủ tịch, lại có những họa tiết trang trí đậm chất cổ truyền Việt Nam, hay những công trình Art Décor điển hình như tòa nhà Ngân hàng Nhà nước cũng được thêm nếm vào đó nét Việt tinh hoa.

Những giao thoa này, dù là chấm phá, cũng đủ cho thấy văn hóa và kiến trúc Việt có giá trị và ảnh hưởng nhất định tới những kiến trúc sư và nền kiến trúc có bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ như kiến trúc Pháp./.