Sách mới 'tiết lộ' nghi lễ, phong tục đón Tết chốn cung đình xưa
Sách “Tết chốn vàng son” của nhà báo Lê Tiên Long sẽ đem đến cho độc giả yêu lịch sử những câu chuyện thú vị về thú chơi trong cung đình ngày Tết, các phong tục, lễ tế đầu năm...
Vua Thành Thái không chỉ mê tuồng mà còn đánh trống tuồng rất giỏi. Ông thậm chí còn cao hứng "cầm chầu" trong nhiều tiệc Xuân nơi cung đình.
Thông tin thú vị trên được hé lộ trong cuốn sách “Tết chốn vàng son” của tác giả, nhà báo Lê Tiên Long ra mắt độc giả dịp Tết Ất Tỵ.
Sách do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành, dày 240 trang, được chia làm hai phần: “Cung đình chuẩn bị đón Tết” và “Vua quan ăn Tết.”
Phần đầu cho độc giả biết tổng quan những nghi lễ trước Tết của triều đình phong kiến Việt Nam từ thời Đinh, Tiền Lê, Lý... đến triều Nguyễn, như các lệ thượng nêu, hạ nêu, ban thưởng cho các quan, vua tế các đền miếu nào trước Tết, vua phong ấn, ban lịch như thế nào, các đồ thờ cúng ngày Tết được chuẩn bị ra sao...
Phần thứ hai kể những câu chuyện ngày Tết trong cung đình Việt, từ những lễ Chính Đán (Mùng Một Tết), đến những lễ tế Giao (tế Trời) mà các vua thời Lê Trung hưng thường tiến hành đúng ngày mùng Một tháng Giêng, sau đó triều Nguyễn chuyển sang tháng Hai âm lịch, cho đến các nghi lễ đầu năm như lễ tế Xuân hưởng, lễ cày ruộng Tịch điền, lễ ban bố chiếu chỉ đầu năm, hay các nghi thức quan trọng khác như nghi thức tập trận đầu Xuân, lễ khai giảng đầu năm mới của các hoàng tử.
Chia sẻ về cuốn sách, tác giả Lê Tiên Long nói: “Vua chúa, các quan thời xưa ăn Tết thế nào, luôn là những chủ đề mà những người quan tâm lịch sử Việt Nam quan tâm. Tuy nhiên để tập hợp tất cả những câu chuyện này thành một cuốn sách thì chưa có. Tôi mong muốn cuốn sách sẽ giúp độc giả tìm hiểu những câu chuyện lý thú xung quanh các nghi lễ, phong tục ngày Tết trong cung đình Việt Nam, nhất là giúp các bạn trẻ thêm hiểu và yêu lịch sử mấy nghìn năm của đất nước.”

Nhà văn, nhà báo Yên Ba đánh giá đây là cuốn sách viết về phong vị vàng son một thuở của cha ông ta trong những ngày Tết đến Xuân về. Đằng sau những nghi lễ, quy chế, thể lệ chốn cung đình là những câu chuyện về văn hóa.
“Có những cuốn sử dày cả ngàn trang, ghi lại những trận đánh dữ dội, chiến công hiển hách hay những nhân vật hùng tâm tráng chí, uy danh bao trùm trời đất, khí chất che mờ nhật nguyệt, để lại tiếng thơm cho muôn đời sau. Nhưng cũng có những cuốn sử nhỏ nhắn, ghi chép lại những việc, những người, lớn thì cương vực, địa lý, danh lam thắng cảnh, núi động sông hồ, nhỏ thì tước cấp, bổng lộc, quan chế, lễ nhạc, đền miếu… ‘Tết chốn vàng son’ của tác giả Lê Tiên Long là một cuốn sử nhỏ nhắn kiểu như thế,” nhà báo Yên Ba nhận xét.
Theo nhà báo Yên Ba, tác giả đã dựa vào những cuốn chính sử đồ sộ, tỉ mẩn chọn lọc, ghi chép, kết nối các sự kiện, nhân vật để người hôm nay biết chuyện hôm xưa, nơi chốn cung đình đón Xuân ăn Tết như thế nào./.