Rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành sớm xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về quy trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính sau khi bỏ sổ hộ khẩu.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh minh họa: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Ngày 17/1, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP tháng 1/2023.

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung đánh giá, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện Đề án 06 thời gian tới như tập trung rà soát dữ liệu về thuế, tài chính doanh nghiệp; kết nối dữ liệu dân cư và mã số thuế; kết nối dữ liệu sinh viên với dữ liệu bảo hiểm; cập nhật thông tin và làm sạch dữ liệu y tế.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp thực hiện nhiệm vụ xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu bảo hiểm; đẩy mạnh thực hiện sổ sức khỏe điện tử…

Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng trong thực hiện Đề án 06 của Tổ công tác trong năm 2022.

Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành, thành viên đánh giá vấn đề rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu và tái cấu trúc quy trình dịch vụ công trực tuyến; đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về quy trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính sau khi bỏ sổ hộ khẩu.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh cần khẩn trương triển khai xây dựng, tạo lập các cơ sở dữ liệu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2023 là năm tạo lập và khai thác hiệu quả dữ liệu.

Đối với nhiệm vụ này, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành khẩn trương rà soát để thúc đẩy việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành mình theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm các dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” và kết nối đồng bộ.

Tại buổi làm việc, các đại biểu thống nhất cao với nhận định 2023 là năm của hành động, quyết định sự thành bại của Đề án 06. Tổ công tác đã dự thảo 106 nhiệm vụ của từng bộ, ngành và 18 nhiệm vụ của các địa phương cần thực hiện.

Cụ thể, đối với Bộ Công an tập trung triển khai 33 nhiệm vụ (chiếm 31,1% trên tổng số nhiệm vụ cần thực hiện), trong đó phát huy vai trò thường trực, đề xuất đưa báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 vào thảo luận tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ hàng tháng; tập trung đề xuất hoàn thiện về pháp lý, như tham mưu ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, xây dựng Luật Căn cước công dân sửa đổi trình Quốc hội thông qua; tiếp tục hoàn thiện ứng dụng VNeID và đẩy mạnh việc cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân…

Văn phòng Chính phủ chủ trì 7 nhiệm vụ, trong đó tập trung triển khai ngay 2 nhiệm vụ; đôn đốc 10 dịch vụ công chậm muộn theo Quyết định 422 ngày 4/4/2022 của Chính phủ và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông khai sinh, khai tử để có cơ sở pháp lý triển khai trên toàn quốc.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì 17 nhiệm vụ, trong đó cần tập trung đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông di động kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nghiên cứu, xây dựng giải pháp, kế hoạch và triển khai xác thực, chuẩn hóa lại thông tin thuê bao sau khi đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Bộ Tài chính chủ trì 8 nhiệm vụ, trong đó cần đẩy mạnh việc đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thống nhất sử dụng mã định danh công dân là mã số thuế, để thực hiện Công điện 889 ngày 1/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

[Thủ tướng chủ trì Hội nghị sơ kết một năm triển khai Đề án 06]

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì 3 nhiệm vụ, trong đó có việc đồng bộ dữ liệu bổ sung đăng ký doanh nghiệp sang Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an làm giàu dữ liệu dân cư.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì 3 nhiệm vụ, trong đó tổ chức triển khai chi trả qua tài khoản cho 100% các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money...) từ ngân sách Nhà nước, bảo đảm chính xác, nhanh chóng, tiện lợi, kịp thời.

Trả căn cước công dân gắn chip điện tử cho người dân. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Bộ Tư pháp chủ trì 3 nhiệm vụ, trong đó cần tập trung đôn đốc, hướng dẫn các địa phương số hóa dữ liệu hộ tịch; đồng thời rà soát bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Đề án 06, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Bộ Y tế chủ trì 5 nhiệm vụ, trong đó tập trung cập nhật thông tin, dữ liệu về y sỹ, bác sỹ, bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, giường bệnh, trang thiết bị y tế... vào cơ sở dữ liệu của ngành y tế; kết nối, xác thực, làm sạch dữ liệu về y tế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý Nhà nước; hướng dẫn các cơ sở y tế cập nhật dữ liệu nhóm thông tin cơ bản về y tế vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; thống nhất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Công an về việc chia sẻ một số trường thông tin cơ bản của Sổ Sức khỏe điện tử hiển thị trên ứng dụng VNeID theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì 2 nhiệm vụ, trong đó triển khai kết nối dữ liệu sinh viên với dữ liệu bảo hiểm nhằm hỗ trợ công tác thống kê tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, dự báo nguồn nhân lực và xu hướng nghề nghiệp của sinh viên ra trường..

Bộ Nội vụ chủ trì 5 nhiệm vụ, trong đó cần xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ, đẩy nhanh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì 3 nhiệm vụ, trong đó có việc tập trung hoàn thành quy trình làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai để kết nối, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nhà ở, giao dịch bất động sản...

Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì 3 nhiệm vụ, trong đó cần tập trung triển khai chống trục lợi bảo hiểm: 80% cơ sở khám chữa bệnh sử dụng căn cước công dân gắn chip để xác thực sinh trắc học...

Bộ Giao thông vận tải chủ trì 3 nhiệm vụ, trong đó cần tập trung phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hoàn thành triển khai trên toàn quốc đối với 2 dịch vụ công: Cấp đổi, cấp lại Giấy phép lái xe.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì 2 nhiệm vụ, trong đó cần tập trung làm sạch 100% dữ liệu thông tin tín dụng, đồng bộ mã số định danh và mã số tín dụng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung thực hiện nhiệm vụ triển khai xác thực thông tin chủ thể tham gia các hợp đồng của Ngành điện và Hải quan.

Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì 2 nhiệm vụ, trong đó tập trung triển khai ngay giải pháp để tối ưu, nâng băng thông đồng bộ, thiết bị cơ yếu đáp ứng với sự phát triển của các nguồn dữ liệu lớn về dân cư.

Tòa án nhân dân Tối cao chủ trì 4 nhiệm vụ, trong đó tập trung kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về công bố bản án, quyết định của Tòa án; cơ sở dữ liệu về hồ sơ vụ án của Tòa án; cung cấp dịch vụ xác thực thông tin đối với các đương sự, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng... trên cổng dịch vụ của Tòa án để phục vụ triển khai tố tụng điện tử và xét xử trực tuyến.

Bộ Xây dựng chủ trì nhiệm vụ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp./.

PV (TTXVN/Vietnam+)