Quy định 144-QĐ/TW: Giữ gìn sự liêm chính của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới
Để giữ gìn sự liêm chính của cán bộ, đảng viên, Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự tu dưỡng, rèn luyện, tận tâm, tận lực cống hiến cho Đảng, đất nước và nhân dân.
Trước những thách thức, yêu cầu của tình hình và điều kiện phát triển mới của đất nước, Đảng ta ngày càng chú trọng bảo đảm và phát huy sự liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chính vì vậy, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định 144).
Theo các nhà khoa học, chuyên gia thì việc ban hành Quy định 144 là cấp thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xây dựng văn hóa liêm chính
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Quy định 144 ra đời là đúng lúc trong bối cảnh có nhiều vụ việc đáng buồn xảy ra thời gian qua.
Nhiều đảng viên có chức, có quyền, thậm chí là cán bộ cấp cao phải từ chức hoặc bị xử lý hình sự. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây bất bình, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn cho thấy, người cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất sẽ dần đánh mất mình, đánh mất “nền tảng gốc” là đạo đức cách mạng, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị.
Nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng, vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm; vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.
Quan tâm đến Điều 3 của Quy định 144: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư," Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp cho rằng, Điều 3 nhấn mạnh đến lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực; không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi….
Vấn đề “liêm chính” và xây dựng “Văn hóa liêm chính” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến nhiều lần trong các Hội nghị của Trung ương Đảng khi nói về công tác xây dựng Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng.
Tháng 11/2020, tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tâm sự một vài điều rất cơ bản, rất then chốt về lẽ sống của người cách mạng, của cán bộ, đảng viên: “Phải làm sao giữ cho được, làm cho đúng theo tư cách, đạo đức, danh dự của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người lãnh đạo.”
Để giữ gìn sự liêm chính của cán bộ, đảng viên, Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện, tận tâm, tận lực cống hiến trí tuệ, sức lực cho Đảng, phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân, nhất là phải đề cao trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu.
Cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân; bởi niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Đảng luôn gắn liền với niềm tin vào người đứng đầu; nên người đứng đầu phải nêu gương về đạo đức, giữ gìn phẩm chất liêm khiết, công minh, chính trực.
Ngoài ra, cần nâng cao vai trò giám sát của nhân dân, người dân cần biết rõ quyền hạn của mình để kiểm soát cán bộ, giúp cán bộ thực hiện chữ liêm.
Tạo sự chuyển biến tích cực trong Đảng
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Quý Quỳnh, Ban Tổ chức Cán bộ và Kiểm tra, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận thấy, Quy định 144 là nội dung mới, nếu thực hiện tốt sẽ tạo sự chuyển biến tích cực trong Đảng.
Thông qua Quy định 144, Bộ Chính trị đã truyền đi thông điệp là Đảng rất quyết liệt khi đề ra những tiêu chuẩn đạo đức ở mức rất cao, rất cụ thể với cán bộ, đảng viên. Đây sẽ là cơ sở để đánh giá, xử lý đảng viên vi phạm.
Không những vậy, quy định được ban hành đúng lúc và hết sức cần thiết khi toàn Đảng đang tiến hành công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Theo đó, Quy định 144 hiện được phổ biến rộng rãi trên hệ thống thông tin, truyền thông, đặc biệt là thông tin trên mạng Internet. Đồng thời, Quy định này còn được phổ biến đến Chi bộ, như vậy nội dung của Quy định được chuyển tải tới toàn bộ đảng viên để nghiên cứu áp dụng.
Với sự lan tỏa này, Quy định 144 không chỉ là tài liệu hữu ích cho từng cấp ủy, Chi bộ, từng Đảng viên mà còn là tài liệu giáo dục đạo đức cho toàn thể nhân dân.
Quy định 144 nêu những nội dung mới để cán bộ đảng viên cần trau dồi, học tập, cập nhật đảm bảo cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng được vận dụng để lãnh đạo đất nước có cơ sở khoa học, trên nền tảng duy vật, biện chứng và trong một thế giới không ngừng thay đổi mạnh mẽ (Điều 2).
Nội dung này cũng tương đồng với một số nội dung được áp dụng trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cụ thể như: “Tri thức được con người không ngừng tạo ra”; hội nhập là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh sự phát triển khoa học và công nghệ...
Để Quy định 144 lan tỏa tới từng cán bộ, đảng viên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Quý Quỳnh cho rằng, thời gian tới, cần gắn việc thực hiện các nội dung trong quy định 144 với nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Cùng với đó, cấp ủy, tổ chức Đảng phải giáo dục cho mọi người thấu suốt và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, đảng viên thực hiện những quy định đó. Chính quá trình thực hiện những quy định khắt khe, bắt buộc đó sẽ dần tạo nên thói quen tự giác cho cán bộ, đảng viên trong thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới theo Quy định 144 của Bộ Chính trị.
Các nội dung tiêu chí phấn đấu của cá nhân được xây dựng phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và phải phù hợp với chức trách, nhiệm vụ, điều kiện công tác của từng nhóm đối tượng cán bộ, đảng viên.
Cấp ủy, tổ chức Đảng phải thẩm định kết quả tự đánh giá và thông qua bản tự đăng ký phấn đấu về chuẩn mực đạo đức của từng người để làm căn cứ theo dõi, giúp đỡ và kiểm tra việc thực hiện Quy định 144 của Bộ Chính trị trong giai đoạn hiện nay./.